Quản lý chi tiêu cá nhân là một kỹ năng quan trọng để duy trì tài chính cá nhân ổn định. Đặc biệt đối với người độc thân thì việc tìm hiểu cách quản lý chi tiêu cá nhân là rất cần thiết. Cùng ACB tìm hiểu bài viết dưới đây về vấn đề chi tiêu của một người độc thân.
Sự tự do tài chính khi sống độc thân
Khi sống độc thân, bạn được tự do làm mọi điều bạn muốn vào bất kỳ thời điểm nào. Bạn có cơ hội đầu tư cho bản thân mà không phải suy nghĩ đến kế hoạch của người khác. Hơn nữa, sống độc thân còn giúp bạn tiết kiệm kha khá chi phí nếu quản lý chi tiêu hiệu quả.
Khi không phải sống cùng người khác và không có con, bạn sẽ chỉ cần chăm sóc cho bản thân mình. Trong tình hình lạm phát ngày càng tăng cao thì chi phí sinh hoạt của bạn được giảm đáng kể khi sống một mình. Ngoài ra, việc không có những buổi hẹn và món quà đắt đỏ cũng giúp ích cho túi tiền của bạn.
Mặc dù nhiều người chỉ ra rằng sống độc thân tốn nhiều chi phí hơn vì không có ai cùng gánh vác những khoản chi phí cơ bản. Nhưng người độc thân có thể tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Sống độc thân cho phép bạn linh hoạt trong quản lý tài chính. Bạn có thể thay đổi kế hoạch tài chính, thay đổi ngân sách hàng tháng, hay thực hiện các quyết định tài chính quan trọng mà không cần phải tham khảo ý kiến hay đồng thuận với người khác. Bạn có thể kiểm soát mọi mục tiêu trong cuộc sống của mình như mua xe, mua nhà, tiết kiệm cho quỹ hưu trí,...
Đương nhiên, khi không có gia đình và con cái, bạn có quyền kinh doanh và đầu tư liều lĩnh hơn vì có thể chấp nhận rủi ro cao hơn. Và bạn có thể tập trung vào sự phát triển nghề nghiệp mà không cần lo lắng về trách nhiệm gia đình hay người phụ thuộc. Bạn có thể đầu tư thời gian và năng lượng để xây dựng sự nghiệp riêng của mình và đạt được tiềm năng tài chính cao hơn. Tuy nhiên nếu không biết cách quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả, bạn có thể “vung tay quá trán” và tiêu sạch tiền của mình trong những hoạt động giải trí, vui chơi.
Để tránh tình trạng “vung tay quá trán” này thì bạn hãy tham khảo 03 cách quản lý chi tiêu cá nhân dưới đây:
Ghi chép lại các khoản chi tiêu hàng ngày
Ghi chép là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng cho hoạt động quản lý chi tiêu cá nhân. Ghi chép giúp bạn hiểu rõ về tình hình tài chính của mình và học cách kiểm soát chúng một cách hiệu quả hơn. Đặc biệt khi sống một mình thì bạn sẽ không có ai giúp đỡ nếu hết sạch tiền vào giữa tháng. Chẳng hạn như nhờ vào bản ghi chép, bạn nhận ra mình đã tiêu đến 65% tiền lương vào những hoạt động vui chơi, từ đó bạn biết cần phải điều chỉnh và giảm bớt những gì.
Hãy ghi chép một cách chi tiết và cụ thể, phân loại theo từng hình thức thanh toán như tiền mặt, ATM, thẻ tín dụng,... Bạn có thể ghi chép thủ công bằng sổ tay, Excel hoặc sử dụng những phần mềm quản lý chi tiêu. Hiện nay có rất nhiều phần mềm miễn phí/ trả phí cung cấp những tính năng tiện lợi như tạo danh sách chi tiêu, phân loại, thống kê và nhắc nhở. Quan trọng là bạn phải ghi chép ngay sau khi chi tiêu để đảm bảo tính chính xác.
Đến cuối tháng, bạn sẽ có một bản ghi chép danh sách chi tiêu đầy đủ của bản thân. Ghi chép chi tiêu hàng ngày giúp bạn có cái nhìn rõ ràng về tài chính cá nhân và là một công cụ quan trọng để quản lý chi tiêu và tiết kiệm tiền. Đây mới chỉ là giai đoạn bắt đầu, bạn sẽ tập trung tìm hiểu về thói quen tiêu dùng chứ chưa cần kiểm soát chi tiêu ở giai đoạn này.
Lập ngân sách và chia nhỏ những khoản chi tiêu
Để tạo lập ngân sách hiệu quả, bước đầu tiên bạn hãy xác định tổng thu nhập hàng tháng của bạn từ tất cả các nguồn, bao gồm lương, thu nhập bổ sung,...Sau đó, tạo một danh sách các khoản chi tiêu hàng tháng của bạn. Điều này có thể bao gồm tiền thuê nhà, tiền ăn uống, tiền điện, tiền nước, tiền đi lại, tiền giải trí, tiền tiết kiệm, tiền trả nợ, và các chi tiêu khác mà bạn có. Cuối cùng là so sánh giữa chi tiêu và thu nhập để phân chia ngân sách cụ thể cho từng mục như ăn uống, nhà cửa, tiết kiệm,... thật phù hợp.
Quan trọng là phải xác định các khoản chi tiêu quan trọng nhất mà bạn muốn dành số tiền lớn hơn. Ví dụ, trả nợ hoặc tiết kiệm có thể là mục tiêu ưu tiên. Điều này giúp bạn tập trung vào việc quản lý tài chính ở những lĩnh vực quan trọng nhất.
Ví dụ với mức lương 10 triệu đồng, bạn có thể chia làm 3 khoản. Cụ thể là 5 triệu cho các chi tiêu thiết yếu, 3 triệu cho tiêu dùng cá nhân và 2 triệu để tiết kiệm. Và điều tuyệt vời là bạn sống độc thân, nên 10 triệu đó chỉ dành cho bạn.
Bạn có thể tham khảo một số cách phân chia khác như 70-10-10-10, 50-20-30, 55-10-10-10-10-5 tùy vào mục đích sử dụng tiền. Các phân chia hiệu quả và được sử dụng phổ biến hiện nay là 50-20-30 (50% cho chi tiêu thiết yếu, 20% cho tiết kiệm và đầu tư, 30% cho tiêu dùng cá nhân). Tuy nhiên đây cũng chỉ là tỉ lệ tương đối, bạn có thể thay đổi linh hoạt sao cho phù hợp nhất với thu nhập và cuộc sống của mình.
Và bạn phải tuân thủ theo ngân sách đã tạo thì mới có thể chi tiêu hiệu quả. Cố gắng không vượt quá số tiền đã định và giữ việc chi tiêu trong giới hạn của từng danh mục. Ngoài ra, định kỳ xem xét lại ngân sách của bạn để xem liệu nó còn phù hợp và có thể điều chỉnh. Nếu có thay đổi trong thu nhập hoặc chi tiêu, hãy cập nhật ngân sách của mình để phản ánh chính xác tình hình tài chính hiện tại của bạn.
>>> Cách lập bảng cân đối tài chính cá nhân bạn nên biết
Hãy thử một phép tính đơn giản, nếu một ngày bạn tiết kiệm 40.000 đồng tiền cà phê, mỗi tháng bạn sẽ tiết kiệm được 1,2 triệu đồng, sau một năm sẽ tiết kiệm được hơn 14 triệu đồng. Tương tự với các khoản chi tiêu không cần thiết khác như quần áo, mỹ phẩm,... thì bạn có thể tiết kiệm một khoản khổng lồ.
Tuy nhiên tiết kiệm không phải là bạn hoàn toàn cắt bỏ những khoản trên nhưng phải chi tiêu một cách hợp lý. Khi đó bạn sẽ có khoản tiết kiệm nhiều hơn bạn nghĩ rất nhiều. Những người sống độc thân thường có thói quen ăn ngoài để tiết kiệm thời gian. Đây cũng là nguyên nhân khiến túi tiền của bạn giảm đi đáng kể. Thay vào đó, bạn có thể tự nấu ăn ở nhà, vừa đảm bảo sức khỏe mà vừa tiết kiệm thêm chi phí.
Và không chỉ các khoản tiêu dùng cá nhân, khoản chi tiêu cần thiết cũng cần được kiểm soát một cách chặt chẽ. Tham khảo mức chi tiêu ngân sách ở cách 02, bạn chỉ nên chi khoảng 20% - 30% thu nhập cho việc thuê nhà. Ví dụ thu nhập của bạn là 20 triệu đồng/ tháng, thì bạn chỉ nên thuê nhà có mức giá 4 - 6 triệu đồng. Khi ở một mình, bạn nên tham khảo chung cư mini hoặc những căn hộ dịch vụ ở xa trung tâm thành phố sẽ có mức giá hợp lý hơn.
Tóm lại, việc sống độc thân thoải mái hay tiết kiệm hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của bạn. Không cần lập gia đình, bạn hoàn toàn có thể có cuộc sống hạnh phúc nếu biết cách quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả. Còn nếu bạn vẫn gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, hãy tham khảo ngân hàng ACB để có những hỗ trợ kịp thời và phù hợp nhất.
>>> Top 6 câu hỏi giúp bạn hiểu rõ hơn về bức tranh tài chính của bản thân
***Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo vì nội dung có tính thời điểm. Quý khách vui lòng truy cập trang sản phẩm, dịch vụ chi tiết từ website acb.com.vn hoặc liên hệ Contact Center theo hotline 1900 54 54 86 - (028) 38 247 247 để được cập nhật chính sách mới nhất.