Gợi ý tìm kiếm

Quản lý tài chính gia đình với kế hoạch ngắn hạn và dài hạn

Lập kế hoạch tài chính là phương pháp quản lý tài chính gia đình hiệu quả nhằm giúp kiểm soát và tận dụng tốt nguồn tài chính hiện có. Kế hoạch tài chính có thể xem là một kim chỉ nam và đồng thời cần sự góp sức của các thành viên trong gia đình trong việc thực hiện kế hoạch này. Trong bài viết này, hãy cùng ngân hàng ACB tìm hiểu các bước quản lý tài chính gia đình ngắn hạn và dài hạn sao cho hiệu quả nhất nhé.

Quản lý tài chính gia đình cần xác định rõ mục tiêu dài hạn và ngắn hạn

Quản lý tài chính gia đình cần xác định rõ mục tiêu dài hạn và ngắn hạn

1. Lập kế hoạch quản lý tài chính gia đình trong ngắn hạn 

Kế hoạch tài chính ngắn hạn của mỗi gia đình đều khác nhau, tùy theo hoàn cảnh sống, khả năng tài chính… cũng như nhiều yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tiền ra/vào của gia đình. Tuy vậy, có một số bước cơ bản để bạn có thể áp dụng và xây dựng bản kế hoạch quản lý tài chính gia đình như sau.

Bước 1: Xác định mục tiêu tài chính trong ngắn hạn

Việc đầu tiên là xác định rõ các mục tiêu tài chính trong ngắn hạn là gì, có thể là tiết kiệm để mua một món đồ, tiết kiệm cho kỳ nghỉ gia đình… Việc xác lập ra các mục tiêu sẽ giúp bạn hiểu rõ đích đến của mình là gì, từ đó sẽ có những phương án thực hiện phù hợp.

Bước 2: Xem xét nguồn thu nhập

Bạn cần đánh giá tổng quan các nguồn thu nhập của gia đình trong một khoảng thời gian nhất định. Những nguồn này có thể đến từ lương, lợi nhuận kinh doanh/đầu tư… hoặc từ các nguồn khác. Việc xem xét nguồn thu nhập này sẽ giúp bạn hiểu rõ về lượng tiền mà mình sẽ cần để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Bước 3: Phân tích các khoản chi tiêu hiện tại

Các khoản chi tiêu cần được phân tích rõ theo từng khoảng thời gian hàng ngày, hàng tháng hoặc hàng năm. Việc phân tích này sẽ giúp bạn thấy rõ được đâu là khoản chi tiêu cần thiết và đâu là những khoản có thể cắt giảm hay tiết kiệm được.

Tiết kiệm chi tiêu là một cách hiệu quả để quản lý tài chính gia đình

Tiết kiệm chi tiêu là một cách hiệu quả để quản lý tài chính gia đình

Bước 4: Thiết lập ngân sách chi tiêu hàng tháng

Dựa vào nguồn thu nhập và các khoản chi cần thiết, bạn có thể xác lập một bảng ngân sách hàng tháng phù hợp. Bảng ngân sách này cần chia rõ khoản chi cố định (tiền điện, tiền nước, tiền ăn uống, tiền thuê nhà…) và khoản chi không cố định (tiền giải trí, tiền mua sắm…). Bạn cần đảm bảo ngân sách này có tính khả thi và có thể thực hiện được với khoản thu nhập hiện tại của gia đình. Việc thiết lập ngân sách này sẽ giúp bạn xác định được mức chi cũng như mức tiết kiệm để đạt được mục tiêu một cách hiệu quả.

Cần cân nhắc các khoản chi hàng ngày kể cả nhỏ nhất

Cần cân nhắc các khoản chi hàng ngày kể cả nhỏ nhất

Bước 5: Xây dựng quỹ tài chính dự phòng

Xây dựng quỹ dự phòng giúp bạn có sự đề phòng trong những tình huống khẩn cấp và không mong đợi. Thay vì phải vay mượn hoặc sử dụng các nguồn tài chính không mong muốn thì bạn có thể sử dụng quỹ dự phòng để giải quyết. Quỹ này được trích xuất từ các nguồn thu nhập hàng tháng của gia đình được tính trong khoảng 3 - 6 tháng, tuy nhiên quỹ dự phòng sẽ là một khoản riêng tách biệt với quỹ tiết kiệm.

>>> Tại sao cần quản lý tài chính gia đình?

Bước 6: Theo dõi và điều chỉnh kế hoạch tài chính khi cần thiết

Không phải lúc nào kế hoạch cũng diễn ra suôn sẻ. Mục tiêu của việc theo dõi này là nhằm đánh giá bảng kế hoạch theo từng tháng cùng với đó là thực hiện những thay đổi cần thiết để đảm bảo kế hoạch tiến triển hợp lý. Bạn có thể tăng thu nhập hoặc giảm chi tiêu, sau đó cân đối và tinh chỉnh phù hợp.

2. Lập kế hoạch quản lý tài chính gia đình trong dài hạn

Khác với kế hoạch ngắn hạn, kế hoạch tài chính dài hạn mang tính lâu dài và ổn định hơn. Điều này nhằm đảm bảo khả năng phát triển tài chính trong tương lai của cả gia đình. Các bước cơ bản cũng sẽ tương tự hình thức ngắn hạn nhưng sẽ có những thay đổi tương ứng.

Bước 1: Xác định mục tiêu tài chính dài hạn

Bạn cần xác định rõ mục tiêu cần đạt được là gì. Thông thường, mục tiêu tài chính dài hạn sẽ bao gồm: tiết kiệm để mua nhà, đầu tư bất động sản, đầu tư cho việc học của con, tiết kiệm tiền hưu trí.

Học tập là một khoản đầu tư dài hạn vô cùng cần thiết nếu gia đình bạn có con

Học tập là một khoản đầu tư dài hạn vô cùng cần thiết nếu gia đình bạn có con

Bước 2: Xem xét và đánh giá tài sản và nợ hiện có

Tài sản bao gồm tiền mặt, tài sản đầu tư, bất động sản, xe cộ… Nợ bao gồm các khoản vay hiện có. Việc đánh giá và xem xét tài sản và nợ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về tình hình tài chính hiện tại của gia đình. Từ đó bạn có thể đưa ra những phương án hợp lý để đạt được mục tiêu.

Bước 3: Xác định các nguồn thu nhập và dự báo tài chính

Bạn cần xác định các nguồn tiền vào hiện có như lương, khoản đầu tư… cũng như những khoản thu liên quan khác. Đồng thời, bạn nên chú ý đến dự báo tài chính trong tương lai của gia đình mình bằng cách ước tính thu nhập và chi tiêu dự án. Điều này giúp bạn chủ động hơn trong việc lên kế hoạch và điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

Bước 4: Trích quỹ tiết kiệm và cân nhắc kế hoạch đầu tư

Dựa trên mục tiêu tài chính và tình hình tài chính hiện tại, bạn có thể thiết lập bảng kế hoạch tiết kiệm và đầu tư cho gia đình mình. Bạn nên xác định mức tiết kiệm hàng tháng rõ ràng dựa theo khả năng của các nguồn thu nhập. Nếu xác định sẽ đầu tư lâu dài thì bạn nên chọn ra những kênh và công cụ phù hợp như đầu tư trái phiếu, chứng khoán… hoặc bất đầu sản. Tuy nhiên, đầu tư chắc chắn sẽ có rủi ro. Do đó bạn cần lên kế hoạch đầu tư thận trọng và chuẩn bị sẵn các phương án đối phó khi cần thiết.

>>> Tiết kiệm hay đầu tư: Đáp án quyết định tài chính của gia đình

Bước 5: Thiết lập khoản dự trù cần thiết

Mặc dù đã có mục tiêu tài chính, tuy nhiên, bạn cần xác định được các khoản dự trù bắt buộc. Mua nhà, mua xe, đầu tư học phí đại học cho con… đều là những khoản dự trù cần thiết cho đời sống. Việc tiết kiệm tích lũy này cần được thực hiện trong thời gian dài.

>>> Tiết kiệm tiền cho con nên bắt đầu từ đâu?

Bước 6: Thiết lập quỹ hưu trí

Sẽ đến lúc bạn cần có một khoản hưu trí để chăm sóc bản thân hoặc cha mẹ lúc về già. Để có được khoản quỹ này, bạn có thể đầu tư vào bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ/phi nhân thọ… hay tự trích ra một khoản tiết kiệm của riêng mình.

Hưu trí là một khoản quỹ quan trọng bạn nên có trong kế hoạch tài chính dài hạn

Hưu trí là một khoản quỹ quan trọng bạn nên có trong kế hoạch tài chính dài hạn

Bước 7: Theo dõi và điều chỉnh phù hợp

Kế hoạch dài hạn sẽ phụ thuộc một phần vào tình hình kinh tế chung. Do đó, bạn nên thường xuyên dõi tiến độ, đảm bảo không có những thay đổi ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch tài chính.

3. Một số lưu ý khi quản lý tài chính gia đình bạn cần biết

Không có bản kế hoạch nào là hoàn hảo, và tất nhiên sẽ luôn có những sự cố bất ngờ mà bạn cần phải đề phòng. Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa những rủi ro thì bạn nên lưu ý một số vấn đề như sau:

- Đặt mục tiêu tài chính khả thi và phù hợp với khả năng hiện tại của gia đình.

- Luôn ghi chép, theo dõi và đánh giá chi tiêu hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng.

- Ưu tiên trả các khoản nợ trước, đặc biệt là các khoản nợ lãi suất cao, sau đó mới đầu tư lâu dài.

- Cập nhật và điều chỉnh kế hoạch tài chính theo tháng hoặc theo quý, đảm bảo kế hoạch vẫn có thể thực hiện được.

Việc lập kế hoạch quản lý tài chính gia đình là một quá trình lâu dài và đòi hỏi phải có sự kiện nhẫn và kỷ luật, cần thiết phải có sự tham gia của các thành viên trong gia đình. Trong thời gian đầu có thể hơi khó thực hiện, tuy nhiên theo thời gian thì sẽ hình thành thói quen và trở nên dễ dàng hơn.

>>> 9 mẹo quản lý tài chính gia đình hiệu quả

4. Kết

Như vậy là bài viết bên trên từ ngân hàng ACB đã phân tích chi tiết từng bước về cách lập kế hoạch tài chính của gia đình trong ngắn hạn và dài hạn. Quản lý tài chính gia đình sẽ không quá khó khăn, điều quan trọng là phải đặt ra được những mục tiêu phù hợp, cùng nhau lên phương án thực hiện để đạt được đích đến một cách hiệu quả nhất.

>>> Cách chi tiêu cho gia đình có con nhỏ

***Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo vì nội dung có tính thời điểm. Quý khách vui lòng truy cập trang sản phẩm, dịch vụ chi tiết từ website acb.com.vn hoặc liên hệ Contact Center theo hotline 1900 54 54 86 - (028) 38 247 247 để được cập nhật chính sách mới nhất.