Gợi ý tìm kiếm

Những rủi ro khi không bắt đầu học cách đầu tư

 Dường như mỗi chúng ta thường cảm thấy lo lắng và sợ hãi trước những rủi ro có thể xảy ra khi nghĩ đến việc đầu tư một thứ gì đó. Đi kèm đó còn là những câu chuyện mang tính chất “doạ dẫm" khác mà chúng ta vẫn thường nghe hàng ngày như thua lỗ, mất cả chì lẫn chài,... khiến chúng ta chùn bước. Thế nhưng nếu nhìn theo chiều hướng ngược lại, có một bài học khác mà ít ai nhắc tới đó là rủi ro khi không đầu tư. Vậy nếu chúng ta cứ mãi ở vùng an toàn mà không đầu tư thì những rủi ro chúng ta có thể phải chịu là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Nếu không học cách đầu tư, bạn phải chịu những rủi ro gì?

Rủi ro lạm phát

Hiểu một cách đơn giản thì lạm phát xảy ra khi giá cả những mặt hàng và dịch vụ tăng cao, dẫn đến việc giá trị của đồng tiền đi xuống thấp. Tính trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ lạm phát trung bình tại Việt Nam khoảng dưới 4% và ở Mỹ là khoảng dưới 3%. Có thể thấy, lạm phát là một điều không thể tránh khỏi dù ở quốc gia nào, do đó việc để tiền mặt yên một chỗ quá lâu đồng nghĩa với việc giá trị số tiền mà bạn gìn giữ đó sẽ thất thoát ít nhất là vài phần trăm một năm. Dù cho bạn có cất chúng kỹ đến đâu thì theo thời gian giá trị của chúng cũng sẽ “bốc hơi". 

Chính vì thế, điều tốt hơn việc trữ tiền chính là đầu tư khoản tiền nhàn rỗi vào một kênh đầu tư hiệu quả nào đó sao cho thật uy tín. Hoặc ít nhất, bạn cũng nên để tiền vào tài khoản tiết kiệm với mức lãi suất cao hơn mức lạm phát trung bình một chút nhằm bảo toàn giá trị đồng tiền mà bạn đã vất vả kiếm được.

Rủi ro lạm phát khi không đầu tư

Rủi ro lạm phát khi không đầu tư

Rủi ro mất lãi suất kép

Lãi suất kép, hay còn được gọi là lãi cộng dồn, phản ánh sự gia tăng liên tục của khoản lãi từ việc đầu tư trước đó mà bạn thu được. Để hiểu một cách đơn giản, khi bạn đầu tư 100 đồng và nhận được lãi 1 đồng, số lãi 1 đồng này sẽ tiếp tục đóng góp vào việc sinh lãi tiếp theo. Qua thời gian, hiệu ứng "lãi mẹ sinh lãi con" theo nghĩa tích cực sẽ tạo ra một nguồn thu nhập thụ động ổn định.

Đây chính là sức mạnh của lãi suất kép, là phần thưởng dành cho những nhà đầu tư kiên nhẫn. Trong trường hợp không đầu tư, tức là không có số lãi ban đầu, lẽ hiển nhiên bạn sẽ  không có khả năng tạo ra lãi suất kép. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội để tiền của mình tự “vận động” và "sản sinh" theo mô hình cấp số nhân của lãi suất kép.

Tuy nhiên, nếu đầu tư mà không có lãi suất thì sao? Hẳn điều này gây ra một thách thức lớn, làm cho những người mới bắt đầu trong lĩnh vực đầu tư lo lắng. Trong trường hợp không có lãi suất ban đầu, đương nhiên là không có lãi suất kép. Tuy nhiên, có nhiều cách đầu tư an toàn và đảm bảo lãi suất nếu bạn đầu tư dài hạn, không bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường.

Một trong những phương pháp tốt nhất là đầu tư vào quỹ chỉ số (index fund) hoặc ETF (Exchange-Traded Fund) - đó là những quỹ tổng hợp chứa đựng cổ phiếu và trái phiếu tốt nhất, giúp giảm thiểu ảnh hưởng khi thị trường giảm giá và đảm bảo ổn định trung bình cho toàn bộ quỹ mà không bị ảnh hưởng quá lớn. Đây được xem là cách đầu tư đơn giản nhất, an toàn nhất và phù hợp nhất đối với những nhà đầu tư mới cũng như muốn đầu tư với mục đích lâu dài.

>>> Nên gửi tiết kiệm hay đầu tư?

Rủi ro mất cơ hội

Trong lĩnh vực kinh tế, khái niệm "chi phí cơ hội" (opportunity cost) được sử dụng để chỉ những cơ hội vô hình bị mất đi khi bạn quyết định không tham gia vào một hoạt động nào đó.

Ví dụ, khi bạn đột ngột nhận được một khoản tiền thưởng, có người thân mời bạn tham gia vào kênh đầu tư hiệu quả nào đó, nhưng bạn từ chối và sử dụng số tiền thưởng để mua quần áo. Hành động mua quần áo này có thể đồng nghĩa với việc bạn đánh mất cơ hội kinh doanh trong một thời điểm lý tưởng, và rất có thể sau này bạn sẽ không còn cơ hội trở lại đầu tư vào lĩnh vực đó với số tiền tương tự nữa.

Chi phí cơ hội thường khó xác định giá trị và thường chỉ khi đã mất đi, bạn mới nhận ra rằng quyết định của mình trong quá khứ không phải là sự lựa chọn thông minh. Do đó, để tránh rủi ro mất cơ hội khi đầu tư, mỗi khi cơ hội xuất hiện, quan trọng là bạn cần dành thời gian để suy nghĩ và cân nhắc trước khi đưa ra quyết định. Hãy tránh việc ngay lập tức từ chối mọi đề nghị đầu tư do những nỗi sợ không rõ ràng, và hãy đưa ra quyết định một cách cẩn trọng và tỉnh táo.

Không đầu tư sẽ có rủi ro đánh mất cơ hội

Không đầu tư sẽ có rủi ro đánh mất cơ hội 

Rủi ro về đầu tư, phát triển bản thân

Đầu tư không chỉ là việc tìm cách kiếm tiền. Bởi đầu tư còn là một hành trình liên tục học hỏi để phát triển bản thân, tích lũy kiến thức về kinh tế-tài chính, học cách quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả, và quan trọng hơn tất cả, là việc hiểu sâu hơn về chính bản thân mình trong vai trò là một người tham gia vào hoạt động kinh tế. Đôi khi đây còn được xem là thứ “lãi" có giá trị nhất mà bạn thu được từ quá trình đầu tư và nghiên cứu về nó.

Chỉ khi bắt tay vào đầu tư thì bạn mới biết được mức độ chịu đựng rủi ro (risk tolerance) của bản thân tới mức độ nào, bạn thích đầu tư những hạng mục nào, việc quyết định trong đầu tư nói lên gì về tính cách, về tâm lý của bạn. Đầu tư, nói cách khác, khiến bạn trưởng thành và hiểu rõ bản thân hơn.

Đầu tư cho bản thân, suy cho cùng, vẫn là hình thức đầu tư hiệu quả nhất. Việc bạn trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, tâm lý đủ vững mạnh sẽ giúp bạn tránh khỏi những lời dụ dỗ lừa đảo, làm giàu nhanh chóng. Sở hữu kinh nghiệm, kiến thức mà bạn đã được tích lũy có thể giúp bạn đầu tư vào những thứ mình biết chắc chắn về mức độ hiệu quả cũng như để biết đâu là giới hạn chịu đựng rủi ro của riêng mình.

>>> Cần đọc gì trước khi đầu tư?

Bí quyết giúp chuẩn bị hành trình đầu tư cho bản thân

Sau khi đã nhận ra những rủi ro chúng ta có thể nhận lấy từ việc ngại đầu tư liệu bạn đã sẵn sàng hơn với việc dấn thân chưa? Nếu đã trong bạn đã bắt đầu rạo rực ý định đầu tư, dù chỉ mới loé lên chút ít thì hãy tiếp tục đọc phần tiếp theo của bài viết nhé. Chúng tôi sẽ chia sẻ một vài cách để bạn chuẩn bị nguồn vốn ban đầu, đặt nền móng cho hành trình đầu tư của mình.

Chuẩn bị vốn theo điều kiện tài chính cá nhân

Để chuẩn bị vốn theo điều kiện tài chính cá nhân, bạn cần quan tâm đến tỷ lệ tiết kiệm cá nhân - Personal Savings Rate. Tỷ lệ này sẽ được tính theo công thức như sau:

- Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân = Tiết kiệm cá nhân / Thu nhập ròng

(Personal Savings rate = personal savings / net income)

Nhìn chung, nguồn gốc của mọi khoản đầu tư cá nhân thường bắt nguồn từ tỷ lệ tiết kiệm cá nhân.

Khi nghĩ về việc đầu tư, suy nghĩ thông thường của hầu hết chúng ta là cần đợi đến khi có đủ tiền mới bắt đầu đầu tư. Tuy nhiên, quy tắc ở đây là tiền tiết kiệm, được tính bằng thu nhập ròng sau khi khấu trừ chi tiêu.

Điều này có nghĩa là sau khi đã trừ các khoản chi tiêu, bạn cần đảm bảo rằng phải đầu tư ngay khi số tiền tiết kiệm lớn hơn 0. Lúc này, vấn đề quan trọng là bạn nên chọn kênh đầu tư hiệu quả, chọn sản phẩm tài chính phù hợp. Để có thể đưa ra quyết định đúng đắn bạn có thể trả lời 2 câu hỏi sau:

- Dòng tiền tiết kiệm ổn định hàng tháng để sẵn sàng đầu tư là bao nhiêu?

- Bạn đầu tư vào tài sản gì với dòng tiền đã chuẩn bị ở trên?

Chuẩn bị vốn theo điều kiện tài chính cá nhân

Chuẩn bị vốn theo điều kiện tài chính cá nhân

Chuẩn bị vốn theo lĩnh vực đầu tư

Bên cạnh hình thức chuẩn bị vốn theo điều kiện tài chính cá nhân bạn có thể chuẩn bị vốn theo kênh đầu tư hiệu quả. Có 3 lĩnh vực đầu tư phổ biến đó là:

Cổ phiếu

Đây là kênh đầu tư hiệu quả mà bạn nên bắt đầu sớm nhất, với điều kiện là số tiền mà bạn dự tính đầu tư phải ổn định theo định kỳ. Chứng khoán được xem  là công cụ cho phép chúng ta đầu tư từ số tiền rất nhỏ. Thậm chí, một số nền tảng ứng dụng hiện nay còn cho phép người đầu tư mua/bán theo lô lẻ với giá chỉ từ dưới 100 nghìn đồng.

>>> 10 bài học kinh nghiệm "xương máu" khi đầu tư chứng khoán

Vàng

Theo đánh giá, tăng trưởng của vàng trong dài hạn sẽ khoảng 1,8%/năm trong 100 năm qua (tính theo USD). Bạn cũng nên lưu ý rằng, chỉ nên đầu tư một phần nhỏ trong tổng số tiền vào vàng, như một biện pháp phòng ngừa rủi ro. Bởi khi xem xét về lợi suất đầu tư thì bạn không nên đặt niềm tin vào vàng như là một lựa chọn có lợi suất cao.

>>> Làm sao để đầu tư vàng hiệu quả?

Bất động sản

Với một số tiền trong khoảng từ 2 đến 4 tỷ đồng, bạn có thể bắt đầu thực hiện đầu tư vào bất động sản, miễn là có khả năng tiết kiệm đủ tốt.

Một điều cần lưu ý là nhiều người sử dụng số tiền từ 2 đến 4 tỷ đồng đầu tiên kiếm được để mua chung cư để ở. Có thể thấy đây hẳn không phải là quyết định đầu tư thông minh, thậm chí nó còn làm chậm tiến trình đầu tư vào bất động sản trong nhiều năm tới.

Bất động sản - Kênh đầu tư hiệu quả

Bất động sản - Kênh đầu tư hiệu quả

>>> 6 chiến lược đầu tư bất động sản bạn cần biết

Bài viết trên đã mang đến bạn những rủi ro khi không bắt đầu học cách đầu tư cùng với bí quyết chuẩn bị cho hành trình đầu tư. Dù bạn chọn kênh đầu tư hiệu quả nào thì cũng nên lưu ý một điều rằng ngay từ bây giờ hãy gia tăng thu nhập từ lương cũng như kiểm soát chặt chẽ chi tiêu đề từng bước đạt tới khả năng ổn định thu nhập. Chúc bạn sẽ tìm được kênh đầu tư hiệu quả và thu được nhiều thành công.

>>> Sinh viên có nên đầu tư tài chính?

***Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo vì nội dung có tính thời điểm. Quý khách vui lòng truy cập trang sản phẩm, dịch vụ chi tiết từ website acb.com.vn hoặc liên hệ Contact Center theo hotline 1900 54 54 86 - (028) 38 247 247 để được cập nhật chính sách mới nhất.