Đáo hạn thẻ tín dụng là 1 thuật ngữ quen thuộc, là giải pháp hữu ích giúp chủ thẻ tránh bị phạt trả chậm hay lãi suất cao khi không thanh toán nợ tín dụng đúng hạn. Các chủ thẻ có nên dùng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng không? Cùng ACB tìm hiểu chi tiết về đảo nợ và cách dùng thẻ tín dụng để tránh nợ nần nhé!
Đáo hạn thẻ tín dụng là gì?
Đáo hạn thẻ tín dụng là hình thức ứng tiền để thanh toán khoản nợ tín dụng khi sắp đến hạn trả mà chủ thẻ chưa có đủ tiền để kịp thanh toán cho ngân hàng. Khi sử dụng dịch vụ đảo nợ, công ty tài chính, cá nhân sẽ nạp 1 khoản tiền để ngân hàng xác nhận là chủ thẻ có đủ tiền trong tài khoản để chuyển khoản nợ thẻ tín dụng sang kỳ thanh toán tiếp theo. Khi sử dụng dịch vụ này, chủ thẻ sẽ phải trả một khoản phí đáo hạn, thường là từ 3% đến 5% số tiền nợ.
Hiện có 2 cách đáo hạn thẻ tín dụng phổ biến là thực hiện tại ngân hàng mở thẻ hoặc sử dụng dịch vụ của công ty tài chính. Tuy nhiên 2 hình thức này có ưu và nhược điểm mà bạn cần cân nhắc:
- Độ an toàn: Thường dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng tại ngân hàng có độ an toàn và bảo mật cao hơn so với các dịch vụ tài chính
- Chi phí: Mức chi phí đáo hạn ban đầu tại dịch vụ đáo hạn thường thấp hơn ngân hàng. Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu kỹ để tránh phát sinh phí ẩn. Trái lại, đáo hạn thẻ tín dụng tại ngân hàng, bạn cần thanh toán toàn bộ hoặc tối thiểu 5% dư nợ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, các khoản phí thường được ghi rõ ràng và công khai trong quá trình bạn thực hiện đảo nợ.
Có nên dùng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng không?
Dịch vụ này cũng có thể giúp chủ thẻ kéo dài thời gian thanh toán khoản nợ, giúp họ có thêm thời gian để tích lũy. Ngoài ra, khi đảo nợ, chủ thẻ có thể tránh bị phạt trả chậm hoặc lãi suất cao do không thanh toán khoản nợ thẻ tín dụng đúng hạn. Điều này đồng nghĩa với hồ sơ tín dụng, và điểm tín dụng của bạn không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, khi sử dụng đáo hạn thẻ tín dụng, chủ thẻ dịch vụ đáo hạn nợ thẻ tín dụng cũng tiềm ẩn một số rủi ro mà bạn cần nắm rõ. Chẳng hạn như, dịch vụ đáo hạn có thể yêu cầu thông tin liên quan đến thẻ tín dụng như số thẻ, CVV, CCCD, số điện thoại... Kéo theo đó, nguy cơ lộ thông tin cá nhân là khó tránh. Kẻ gian có thể lợi dụng các thông tin này để thực hiện gian lận hoặc lừa đảo.
Bên cạnh đó, đảo nợ tín dụng là 1 kiểu gia hạn tín dụng chui, lạm dụng có thể dẫn đến nguy cơ khóa thẻ từ ngân hàng. Uy tín của chủ thẻ sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, nếu không quá cấp bách, bạn nên hạn chế sử dụng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng
Cách chi tiêu bằng thẻ tín dụng hạn chế nợ nần
Thẻ tín dụng là một công cụ tài chính hữu ích, nhưng nếu không sử dụng cẩn thận, bạn có thể rơi vào tình trạng nợ nần. Dưới đây là một số cách giúp bạn chi tiêu bằng thẻ tín dụng không bị nợ:
Trước khi đăng ký thẻ tín dụng, bạn cần tìm hiểu kỹ về các loại thẻ và lựa chọn thẻ phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Hãy cân nhắc các yếu tố như hạn mức tín dụng, lãi suất, phí, ưu đãi,...
>>> Cách chọn thẻ tín dụng phù hợp với nhu cầu
Một trong những chi phí quan trọng nhất khi sử dụng thẻ tín dụng là lãi suất. Lãi suất thẻ tín dụng thường rất cao, vì vậy bạn cần tránh để nợ thẻ tín dụng quá lâu. Hãy cố gắng thanh toán toàn bộ số dư thẻ tín dụng của mình trước mỗi kỳ sao kê. Nếu không thể thanh toán toàn bộ, hãy thanh toán ít nhất số tiền tối thiểu.
Ngoài lãi suất, bạn cũng cần lưu ý đến các loại phí khác khi sử dụng thẻ tín dụng, chẳng hạn như phí thường niên, phí rút tiền mặt, phí chuyển khoản,... Hãy đọc kỹ các điều khoản và điều kiện sử dụng thẻ để nắm rõ các loại phí này.
>>> Tìm hiểu chi tiết 11 loại phí sử dụng thẻ tín dụng
Nhiều loại thẻ tín dụng như ACB Visa Signature, ACB Visa Platinum… cung cấp các ưu đãi hấp dẫn, chẳng hạn như hoàn tiền, tích điểm, giảm giá, liên kết với các cửa hàng... Bạn hãy tận dụng các ưu đãi này để tiết kiệm tiền khi mua sắm,du lịch. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng các ưu đãi này thường đi kèm với các điều kiện áp dụng. Hãy đọc kỹ các điều kiện này để đảm bảo rằng bạn đủ điều kiện nhận ưu đãi.
Trước khi sử dụng thẻ tín dụng, hãy đặt ra giới hạn chi tiêu hợp lý cho bản thân. Chẳng hạn, bạn áp dụng nguyên tắc 20-10 khi chi tiêu. Chẳng hạn mức chi tiêu tối đa là 20% thu nhập thực lĩnh hằng năm và 10% thu nhập thực lĩnh hàng tháng. Ngoài ra, trước khi mua sắm, hãy dành thời gian lập kế hoạch chi tiêu. Điều này sẽ giúp bạn xác định những gì bạn cần mua và mức độ chi tiêu cho từng món hàng.
Khi có kế hoạch tài chính rõ ràng và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, bạn sẽ tránh được tình trạng chi tiêu quá khả năng thanh toán.
Hạn sao kê là thời hạn cuối cùng để bạn thanh toán số dư nợ thẻ tín dụng của mình mà không bị tính lãi. Nếu bạn mua sắm gần hạn sao kê, bạn sẽ không có đủ thời gian để tích lũy tiền và thanh toán số dư nợ của mình. Mua sắm gần hạn sao kê có thể khiến bạn bị tính lãi suất cao khi không thanh toán kịp nợ tín dụng.
>>> Các mẹo sử dụng tránh bị phạt vì trả chậm thẻ tín dụng
Đáo hạn thẻ tín dụng không phải là một giải pháp lâu dài cho vấn đề nợ thẻ tín dụng. Hi vọng với các chia sẻ trên của ACB, bạn đã hiểu rõ về đảo nợ thẻ tín dụng và bắt đầu xây dựng kế hoạch tài chính rõ ràng và kỷ luật trong chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Liên hệ với ACB để tìm hiểu thêm các loại thẻ tín dụng tối ưu cho nhu cầu sử dụng của bạn nhé!
***Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo vì nội dung có tính thời điểm. Quý khách vui lòng truy cập trang sản phẩm, dịch vụ chi tiết từ website acb.com.vn hoặc liên hệ Contact Center theo hotline 1900 54 54 86 - (028) 38 247 247 để được cập nhật chính sách mới nhất.