Gợi ý tìm kiếm

10 mẹo mua sắm dịp Tết giúp bạn tiết kiệm núi tiền

Mùa cuối năm là lúc người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm cho năm mới cũng như tự thưởng cho bản thân sau một năm làm việc chăm chỉ. Đây cũng chính là thời điểm mà hầu bao của bạn sẽ bị “tấn công” nhiều nhất. Và để giúp bạn chi tiêu dịp Tết thông minh hơn, tránh “sập" vào những chiếc bẫy mua sắm được đặt sẵn thì dưới đây là 10 kinh nghiệm quản lý tài chính Tết mà ACB đã đúc kết được. Hãy tham khảo để có kế hoạch quản lý chi tiêu Tết thật hiệu quả nhé!

1. Tâm lý tiêu “thả cửa” ngày Tết

Đối với người Việt Nam ta, Tết là một dịp vô cùng quan trọng trong năm. Đây là lúc mọi người được nghỉ ngơi sau chuỗi ngày làm việc cật lực, là khi chuyện cũ được cất lại và một trang mới nhiều hy vọng sẽ bắt đầu, là lúc mọi người có dịp được gặp gỡ, thăm hỏi nhau,... Chính vì thế nhu cầu mua sắm vào dịp Tết dường như tăng cao. Một phần là chúng ta muốn tự thưởng bản thân sau một năm làm việc, một phần người Việt luôn muốn trang trí nhà cửa thật tươm tất để đón “nàng xuân" và bạn bè, bà con, hàng xóm đến chơi nhà. Ngoài ra, hầu như chúng ta đều muốn bản thân trông thật mới mẻ, rạng rỡ vào dịp đầu năm mới nên chẳng ngại “vung tiền" vào những dịch vụ làm đẹp, mua sắm mỹ phẩm, áo quần,... Bên cạnh đó, nhiều người còn có tâm lý muốn tích trữ đồ ăn, vật dụng cần thiết vì vào kỳ nghỉ lễ mọi hàng quán đều sẽ đóng cửa. Từ những yếu tố trên đã khiến cho người tiêu dùng Việt thường có tâm lý chi tiêu “thả cửa" vào ngày Tết. Việc mua sắm vào dịp Tết Nguyên Đán là điều cần thiết, tuy nhiên điều quan trọng là người tiêu dùng phải có kế hoạch chi tiêu, mua sắm sao cho hợp lý để sau Tết chiếc ví vẫn sẽ được bảo toàn. Hãy theo dõi phần tiếp theo của bài viết để “bỏ túi" các kinh nghiệm quản lý tài chính Tết hiệu quả nhé.    

Tết là một dịp vô cùng quan trọng trong năm

Tết là một dịp vô cùng quan trọng trong năm

>>> Vì sao nên quản lý tài chính gia đình?

2. Mua sắm Tết siêu tiết kiệm với 10 mẹo đơn giản

2.1 Săn các mặt hàng khuyến mãi thiết yếu

Cuối năm,  hệ thống bán lẻ và siêu thị triển khai các chương trình giảm giá sâu cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội để “săn” các sản phẩm tiêu dùng và thực phẩm với giá ưu đãi, giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. Tuy nhiên, để tránh tình trạng mua sắm quá tay bạn nên xây dựng danh sách các sản phẩm cần thiết và phù hợp cho gia đình mình. Sau khi đã có danh sách những thứ cần mua, bạn nên tìm hiểu, theo dõi các cửa hàng bán món đồ đó để đợi “săn" sale với giá siêu hời.

2.2 Mua sắm vừa đủ

Mỗi dịp Tết đến, nhu cầu mua sắm thực phẩm của các gia đình tăng cao. Lúc này, nhiều chị em nội trợ thường muốn mua sắm và dự trữ lượng lớn thực phẩm để gia đình thoải mái sử dụng trong kỳ nghỉ Tết. Thế nhưng việc dự trữ những thực phẩm tươi sống, rau củ trong thời gian dài nếu không kịp dùng tới sẽ khiến cho thực phẩm bị mất đi một phần dinh dưỡng và gây lãng phí. Do đó, bạn chỉ cần ước tính một lượng thực phẩm vừa đủ cho khoảng 1 đến 2 ngày nghỉ, sau đó bạn có thể ra cửa hàng để mua bổ sung cho gia đình. Hiện nay vào mùng 2 Tết thì các khu chợ hay siêu thị thường đã mở cửa trở lại nên bạn không cần lo lắng sẽ không thể mua thực phẩm vào dịp Tết. Còn nếu bạn muốn dự trữ thức ăn lâu ngày thì cần phải nắm rõ các cách bảo quản thức ăn sao cho tốt nhất.

2.3 Tận dụng đồ trang trí ngày Tết cũ

Trang trí ngôi nhà là một phần quan trọng không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Để có một ngôi nhà xinh xắn mà vẫn tiết kiệm chi phí, việc tái sử dụng đồ cũ là một lựa chọn rất thông minh mà bạn có thể áp dụng để tranh chi tiêu phung phí vào dịp Tết.

Theo đó, thay vì vứt bỏ những tờ giấy báo, chai lọ hay quần áo cũ, bạn có thể sáng tạo để tái chế chúng thành những vật dụng trang trí tuyệt vời trong không gian gia đình. Phương pháp này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn chắc chắn giúp bạn tiết kiệm một lượng chi phí đáng kể trong mùa Tết.

Tận dụng đồ trang trí ngày Tết cũ là một cách quản lý chi tiêu Tết thông minh

Tận dụng đồ trang trí ngày Tết cũ là một cách quản lý chi tiêu Tết thông minh

2.4 Đồ handmade

Trong bữa ăn của người Việt vào dịp lễ Tết, không thể không nhắc đến bánh chưng, giò chả, dưa muối, thịt gà luộc, củ kiệu, dưa món và nhiều món ăn truyền thống khác. Do đó, nếu bạn có thời gian thì nên tự tay làm những món ăn này cùng người thân trong gia đình.

Việc tự làm những món ăn truyền thống không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn vệ sinh cũng như tạo ra những khoảnh khắc ấm cúng, hạnh phúc cho gia đình. Bên cạnh món ăn, bạn cũng nên tự tay làm những món đồ trang trí Tết để không khí Tết được lan toả nhiều hơn trong gia đình, đồng thời giúp tiết kiệm khoản tiền đáng kể.

Tự tay làm các món ăn truyền thống

Tự tay làm các món ăn truyền thống

2.5 Bảo quản thức ăn thừa đúng cách

Một kinh nghiệm quản lý tài chính Tết hiệu quả đó chính là bảo quản thức ăn thừa đúng cách. Vì thói quen mua sắm, dự trữ thực phẩm với số lượng lớn trong ngày Tết của nhiều chị em nội trợ mà không thể tránh khỏi việc dư thừa thức ăn. Vì vậy, thay vì đổ bỏ chúng một cách lãng phí, bạn có thể tìm hiểu cách bảo quản thực phẩm nhằm kéo dài thời gian sử dụng chúng. Chẳng hạn như:

- Tất cả đồ ăn cần được bảo quản trong hộp riêng đậy kín. Với những thực phẩm như phô mai, cá, các loại đồ khô... nên được bọc kín bằng giấy bạc. 

- Không nên để các loại trái cây quá sát bên nhau trong tủ lạnh để tránh một trái chín thì sớm làm lây sang các hoa quả khác.

- Phần tủ dưới cùng trong tủ lạnh nên để các loại rau củ. Bạn cần loại bỏ những phần lá xanh không cần dùng của nhiều loại rau củ như củ cải, cà rốt, su hào... trước khi cho vào ngăn này. Bạn nên bọc rau củ bằng vải thưa thấm chút nước hoặc giấy nhựa loại có đục lỗ li ti để đảm bảo độ tươi xanh của rau.

Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần làm đông và rã đông của thực phẩm đều giảm 20%. Do đó, bạn chỉ nên dự trữ thịt cá trong tủ lạnh với thời gian nhất định rồi đem ra chế biến chứ không nên để quá lâu.

Bảo quản thức ăn thừa đúng cách

Bảo quản thức ăn thừa đúng cách

2.6 Lên kế hoạch chi tiêu đúng cách

Vào dịp Tết sẽ có rất nhiều khoản bạn cần chi tiêu. Do đó, bạn nên có kế hoạch chi tiêu sao cho hợp lý để mỗi đồng tiền đều được sử dụng đúng cách. Theo đó, bạn nên xác định tổng số tiền sẽ tiêu vào dịp Tết là khoản bao nhiêu. Từ số tiền tổng đó hãy chia nhỏ ra thành nhiều hạng mục như quà biếu, lì xì, mua sắm cho gia đình, mua sắm cho bản thân,... Sau đó bạn hãy cố gắng chỉ tiêu ở mức cho phép để không làm thâm hụt tổng tiền dự định tiêu trong dịp Tết.

>>> Quy tắc 72h khi mua sắm bạn đã thử?

2.7 Hạn chế ăn bên ngoài, tích cực dùng bữa ở nhà

Dẫu biết vào cuối năm chúng ta thường khá bận rộn vì công việc, vì những bữa tiệc tùng, liên hoan. Thế nhưng nếu có thể bạn và các thành viên trong gia đình nên dành nhiều thời gian để dùng bữa ở nhà thay vì ăn ở hàng quán. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo vệ sinh mà còn làm tăng thêm không khí ấm áp, sum họp trong gia đình vào những ngày cuối năm thiêng liêng. 

2.8 Cân nhắc danh sách lì xì và quà tặng đầu năm

Một trong những kinh nghiệm quản lý tài chính Tết hiệu quả chính là cân nhắc danh sách lì xì và quà tặng đầu năm. Lì xì, tặng quà cho cả hai gia đình nội và ngoại, và trẻ em trong dịp năm mới là một hoạt động mang ý nghĩa lớn, thể hiện sự chúc phúc và mong muốn mọi điều tốt lành trong năm mới. Điều quan trọng ở hành động này ý nghĩa mà nó mang lại chứ không phải là giá trị bên trong phong bì. Cha ông ta cũng đã dạy rằng ''cách tặng quà quý hơn giá trị quà tặng". Do đó, không cần phải chọn những món quà đắt tiền hoặc lì xì với số tiền lớn, mà hãy tìm kiếm những món quà mang ý nghĩa sâu sắc, vừa làm hài lòng người nhận mà còn giúp người tặng giảm thiểu chi phí một cách hợp lý.

Kinh nghiệm quản lý tài chính Tết hiệu quả là cân nhắc danh sách lì xì và quà tặng đầu năm

Kinh nghiệm quản lý tài chính Tết hiệu quả là cân nhắc danh sách lì xì và quà tặng đầu năm

2.9 Tham khảo và so sánh giá

Một kinh nghiệm quản lý tài chính Tết được nhiều người áp dụng đó là mỗi khi muốn mua một món đồ nào đó với giá trị lớn, thay vì bấm mua ngay lập tức, bạn nên dành thời gian để tranh thủ tối ưu quyết định mua sắm bằng cách tham khảo và so sánh giá, cụ thể:

- So sánh giá của sản phẩm bạn định mua trên các trang thương mại điện tử khác nhau.

- Sử dụng tiện ích mở rộng BeeCost trên trình duyệt Google Chrome để kiểm tra "sale ảo" (tăng giá gốc rồi đánh dấu giảm giá).

- Đọc đánh giá và thông tin chi tiết về sản phẩm. Hãy nhớ rằng hình ảnh quảng cáo thường không đủ để đưa ra quyết định mua hàng thông minh, vì nhiều chi tiết quan trọng có thể được lờ đi để kích thích việc mua sắm. Đối với các sản phẩm điện tử, bạn hãy chú ý đến thông số kỹ thuật, chính sách đổi trả/bảo hành và những khuyết điểm mà chỉ người sử dụng thực sự mới nhận biết được. Ngoài ra, bạn cũng nên đọc những review của người đã mua sản phẩm để có cái nhìn chân thật về sản phẩm nhất.

2.10 Rủ bạn bè sắm Tết chung

Các cửa hàng thường có chương trình bán hàng với giá sỉ hoặc cung cấp các khuyến mãi và ưu đãi hấp dẫn khi người mua mua với số lượng nhiều. Do đó, việc rủ rê bạn bè, họ hàng cùng sắm chung một số mặt hàng cho dịp Tết là lựa chọn thông minh nhằm giảm bớt một khoản chi phí đáng kể. Ngoài ra, việc cùng mọi người đi mua sắm dịp Tết còn tạo nhiều khoảnh khắc đáng nhớ và thú vị.

Trên đây là 10 kinh nghiệm quản lý tài chính Tết hiệu quả. Hy vọng với bài viết này sẽ giúp bạn có được kế hoạch quản lý chi tiêu Tết khoa học hơn. Tết là một dịp quan trọng để cho phép bản thân được tận hưởng thế nhưng hãy kiểm soát mọi thứ để chi phí không bị vượt quá ngân sách nhé. Chúc bạn và gia đình có một mùa Tết thật khoẻ mạnh và yên vui!

>>> 9 mẹo quản lý tài chính gia đình hiệu quả

***Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo vì nội dung có tính thời điểm. Quý khách vui lòng truy cập trang sản phẩm, dịch vụ chi tiết từ website acb.com.vn hoặc liên hệ Contact Center theo hotline 1900 54 54 86 - (028) 38 247 247 để được cập nhật chính sách mới nhất.