Gợi ý tìm kiếm

Tại sao cần hiểu cách tính lãi suất khi gửi tiền tiết kiệm?

Gửi tiết kiệm ngân hàng là một trong những hình thức đầu tư tài chính phổ biến nhất hiện nay. Tùy vào từng loại hình dịch vụ và các quy định được đưa ra bởi ngân hàng Nhà nước mà mức lãi suất sẽ có cách tính khác nhau. Hãy cùng ACB tìm hiểu cách tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong bài viết dưới đây!

Biết cách tính lãi suất là điều quan trọng

Tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm có cần thiết?

Tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm có cần thiết?

Dưới đây là một số lý do ngân hàng và người gửi cần tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm:

- Đảm bảo công bằng: Lãi suất tiết kiệm như một hình thức phân chia lợi nhuận công bằng giữa người gửi tiền và ngân hàng. Trong đó, người gửi cho phép ngân hàng sử dụng khoản tiền đã gửi trong một khoảng thời gian cố định. Đồng thời, ngân hàng trả lại lợi nhuận cho người gửi dưới dạng tiền lãi. Hiểu rõ cách tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng giúp khách hàng cân nhắc được số tiền và hình thức nên gửi trước khi tiến hành gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.

- Khuyến khích tiết kiệm: Tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ giúp khách hàng có động lực tiết kiệm khi nhận ra số tiền nhận được sau một khoảng thời gian sẽ cao hơn nhiều so với thời điểm ban đầu. Đây cũng là hình thức đầu tư có khả năng sinh lời hợp lý và an toàn dành cho khách hàng có khoản tiền nhàn rỗi.

Cách tính lãi suất gửi tiền tiết kiệm

Hiện nay việc gửi tiền tiết kiệm được dựa trên hai hình thức: gửi tiền có kỳ hạn và không kỳ hạn, mỗi hình thức sẽ có cách tính lãi suất tiết kiệm khác nhau.

Một số công thức tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm thường thấy

Một số công thức tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm thường thấy

Có kỳ hạn

Gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn là hình thức gửi tiền trong đó tiền chỉ được rút sau một khoảng thời gian nhất định. Mức kỳ hạn lựa chọn gửi tiền có thể kéo dài theo tuần, tháng, quý hoặc năm tùy vào nhu cầu riêng của người gửi và quy định của Ngân hàng.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn theo ngày:

- Số tiền lãi = Số tiền gửi * lãi suất tính theo năm * số ngày thực gửi/365 ngày

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn theo tháng:

- Số tiền lãi = Số tiền gửi * lãi suất tính theo năm/12 tháng * số tháng thực gửi

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn theo năm:

- Số tiền lãi = Số tiền gửi * lãi suất tính theo năm * số năm thực gửi

Ví dụ, khách hàng gửi tiết kiệm 100 triệu VND trong thời gian 1 năm với mức lãi suất 7%/năm. 

Cuối kỳ hạn, số tiền lãi khách hàng nhận được là 100.000.000 * 7% = 7.000.000 VND. 

Nếu khách hàng chọn hình thức gửi tiền có kỳ hạn trong vòng 6 tháng, số tiền lãi khách hàng nhận được là 100.000.000 * 7% * 180/365 = 3.452.054 VND

Đối với hình thức gửi tiền có kỳ hạn, mức lãi suất khách hàng nhận được sẽ cao hơn so với hình thức gửi tiền không kỳ hạn. Đây cũng là hình thức gửi tiền được nhiều khách hàng lựa chọn hiện nay.

Không kỳ hạn

Gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn là hình thức trong đó không yêu cầu ấn định kỳ hạn gửi và số tiền gửi. Người gửi có thể rút một phần hoặc tất toán tài khoản bất cứ khi nào mà không cần chờ đến cuối kỳ.

Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn được tính theo công thức sau:

- Số tiền lãi = Số tiền gửi * lãi suất tính theo năm * số ngày gửi thực/365 ngày

Ví dụ: Khách hàng gửi tiết kiệm 100 triệu VND theo hình thức tiền gửi không kỳ hạn với mức lãi suất 3%/năm. Sau 6 tháng (180 ngày) gửi tiền, khách hàng sẽ nhận được tiền lãi là: 1,479,452 VND.

Cần lưu ý rằng ví dụ trên giả định 6 tháng gửi tiết kiệm đều có 30 ngày. Tuy nhiên, số ngày gửi thực trên thực tế sẽ phụ thuộc vào thời điểm mở sổ tiết kiệm của khách hàng trong năm. Số tiền lãi nhận được cũng chưa tình các phụ phí và tỷ lệ lạm phát ngoài thị trường.

Công thức tính dành cho lãi kép

Lãi kép (lãi cộng dồn) là hình thức tái tích lũy lãi suất. Nghĩa là, số tiền lãi sinh ra sau một thời gian gửi tiết kiệm ngân hàng sẽ được cộng dồn vào tiền vốn ban đầu và tiếp tục chu kỳ sinh lãi tiếp theo. 

Ví dụ, khách hàng gửi ngân hàng 10 triệu VND theo hình thức lãi kép với lãi suất 10%/năm. Sau một năm, khách hàng nhận được tiền lãi là 1 triệu VND. Số tiền lãi 1 triệu VND này sẽ được cộng dồn vào 10 triệu tiền vốn. Cứ như vậy, số tiền lãi tích lũy từ năm 2, năm 3 trở đi mà khách hàng thu về là rất lớn.

Công thức tính lãi kép cơ bản:

FV = PV * (1 + i)^n

Trong đó:

FV: giá trị tương lai vào năm thứ n

PV: giá trị tiền gửi tại thời điểm ban đầu

n: số năm gửi tiền 

i: lãi suất 

Ví dụ: Khách hàng đem gửi 10 triệu VND theo hình thức lãi kép với lãi suất 10%/năm. Sau 10 năm, khách hàng sẽ nhận được tiền vốn lẫn lãi là 25.937.424,6 VND.

Công thức tính lãi kép hằng năm: 

A = P * (1 + r/n)^nt

Trong đó:

A: giá trị nhận được trong tương lai

P: giá trị tiền gửi tại thời điểm ban đầu

r: lãi suất hàng năm

n: số lần tiền lãi nhập gốc

t: số năm gửi tiền

Ví dụ: Khách hàng đem gửi 10 triệu VND với lãi suất là 4.3%/năm, được nhập gốc hàng quý. Số vốn lẫn lãi khách hàng nhận được sau 6 năm là 12.925.578,81.

Trong đó, P = 10 triệu VND, r = 4.3%, n = 4 (một năm có 4 quý), t = 6 năm.

Để áp dụng công thức lãi kép, khách hàng nên sử dụng hình thức gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn với kỳ hạn dài (trên 1 năm) để được hưởng lãi suất tốt nhất. 

Trong trường hợp khách hàng chưa có nhu cầu rút tiền khi đến hạn tất toán, tiền vốn gốc lẫn lãi sẽ tự động chuyển đến một số tiết kiệm khác và bắt đầu chu kỳ tiết kiệm mới theo công thức lãi kép. Do đó, số tiền khách hàng nhận được vẫn sẽ tăng dần theo thời gian.

>>> Cập nhật lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng

Những thắc mắc thường gặp đối với lãi suất gửi tiền tiết kiệm

Ngân hàng Á Châu ACB sẽ giải đáp một số thắc mắc thường gặp của khách hàng về vấn đề lãi suất tiền gửi tiết kiệm:

Cần lưu ý gì đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm?

Cần lưu ý gì đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm?

Nếu không tất toán ngay ngày đáo hạn, tiền tiết kiệm có tự động sinh lãi thêm không?

Hiện nay, các ngân hàng thường áp dụng công thức tính lãi suất tiết kiệm khi không tất toán khi đến ngày đáo hạn như sau:

Số tiền lãi = Số tiền gửi * lãi suất tính theo năm * số ngày gửi thực/365 ngày

Phần lãi sẽ tự động nhập gốc và tài khoản sẽ chuyển sang kỳ hạn tiếp theo (giống kỳ hạn khách hàng đã chọn ban đầu) với mức lãi suất mới tại thời điểm tái tục. Trong trường hợp kỳ hạn gửi tiết đã hết hạn, ngân hàng sẽ tự động tái tục theo kỳ hạn ngắn hơn và gần với kỳ hạn ban đầu nhất.

>>> Khám phá 3 sản phẩm tiền gửi tiết kiệm trực tuyến của ngân hàng ACB

Nếu rút ra giữa lúc gửi có bị mất lãi suất hay không?

Khi thực hiện rút tiền trước kỳ hạn, tiền lãi sẽ được tính theo lãi suất không kỳ hạn và có thể chịu phí phạt tùy theo quy định của Ngân hàng. Trong trường hợp khách hàng muốn rút toàn bộ tiền gửi trước kỳ hạn, lãi suất tiền gửi sẽ được tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất dựa trên đối tượng khách hàng và loại tiền đã gửi.

Trong trường hợp khách hàng rút trước một phần tiền gửi, lãi suất tiền gửi được rút trước kỳ hạn sẽ được tính theo mức lãi suất không kỳ hạn thấp nhất. Phần tiền gửi còn lại vẫn sẽ áp dụng mức lãi suất đang áp dụng với khoản tiền gửi ban đầu.

>>> Gửi tiết kiệm trực tuyến có an toàn không và cần nắm điều gì khi gửi tiền online?

Kết

Hy vọng những chia sẻ từ bài viết trên đã giúp khách hàng hiểu thêm về hình thức lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Nếu quý khách có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng Á Châu ACB, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và hướng dẫn nhanh chóng!

***Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo vì nội dung có tính thời điểm. Quý khách vui lòng truy cập trang sản phẩm, dịch vụ chi tiết từ website acb.com.vn hoặc liên hệ Contact Center theo hotline 1900 54 54 86 - (028) 38 247 247 để được cập nhật chính sách mới nhất.