Ký quỹ không còn là thuật ngữ quá xa lạ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lầm tưởng về hình thức ký quỹ cũng như các khái niệm xoay quanh hình thức này. Trong bài viết bên dưới, hãy cùng ngân hàng ACB tìm hiểu những thông tin cơ bản về tiền gửi ký quỹ và những điều cần biết về tài khoản ký quỹ.
Theo Khoản 1 Điều 330 Bộ luật dân sự năm 2015, khái niệm ký quỹ được quy định như sau: “Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá được bằng tiền vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.”
Ký quỹ được xem là một biện pháp để bảo vệ quyền lợi cho bên có quyền, tránh khỏi những rủi ro có thể xảy ra trong suốt quá trình thực hiện các giao dịch dân sự. Có thể hiểu, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình khi đến thời hạn thì bên nhận ký quỹ (thông thường là ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nhận tài sản ký quỹ) sẽ sử dụng tài sản ký quỹ để thanh toán cho bên có quyền. Đồng thời, nếu bên có quyền bị thiệt hại được gây ra bởi bên kia khi không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên nhận ký quỹ sẽ dùng tài sản ký quỹ để bồi thường thiệt hại cho bên có quyền.
Ký quỹ và tiền gửi ký quỹ là gì?
Trên thực tế, hình thức ký quỹ này không thường được sử dụng trong các giao dịch thông thường nhưng sẽ xuất hiện ở các giao dịch thuộc dự án đầu tư thương mại. Thông thường, trong bất cứ giao dịch ký quỹ nào cũng sẽ cần có sự tham gia của cả 03 bên liên quan, bao gồm:
- Bên ký quỹ: Là bên đã gửi một lượng tiền hoặc tài sản vào tài khoản ký quỹ của một tổ chức tín dụng (thông thường là ngân hàng)
- Bên nhận ký quỹ: Là bên được nhận bồi thường thiệt hại từ tài khoản ký quỹ khi bên ký quỹ không thực hiện đúng nghĩa vụ với mình khi đã đến hạn hợp đồng
- Tổ chức tín dụng: Là bên giữ tài sản ký quỹ, sẽ dùng tài sản này để bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm hợp đồng khi có sự cố xảy ra.
Ngoài ra, một số đặc điểm cơ bản khác của hình thức ký quỹ có thể được kể đến như:
- Loại tiền ký quỹ: VND hoặc các ngoại tệ phổ biến như USD, GBP, hoặc EUR
- Lãi suất ký quỹ: Lãi suất có kỳ hạn và Lãi suất không kỳ hạn
- Số dư ký quỹ tối thiểu: Được quy định dựa theo từng hình thức ký quỹ nhất định. Hiện nay, một số hình thức ký quỹ thường thấy trong các giao dịch dân sự như: thế chấp, đặt cọc…
Mục tiêu chính của ký quỹ chính là để bảo vệ quyền lợi cho bên có quyền tránh được những rủi ro đáng tiếc trong quá trình giao dịch. Thêm vào đó, hình thức ký quỹ còn mang đến những lợi ích nổi bật cho các tổ chức và doanh nghiệp như sau:
- Nâng cao uy tín với đối tác: Thông qua việc thế chấp tài sản bằng cách gửi ký quỹ, các tổ chức và doanh nghiệp có thể tăng độ tin cậy với đối tác kinh doanh khi chứng minh rằng bản thân có năng lực tài chính tốt để thực hiện cam kết cũng như các hoạt động kinh doanh lâu dài. Điều này cũng mang đến tâm lý thoải mái cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng thêm sự tự tin và động lực trước khi tiến hành các hoạt động kinh doanh.
- Khả năng sinh lời: Tiền ký quỹ tại ngân hàng vẫn có thể sinh lời, đồng nghĩa với việc các tổ chức và doanh nghiệp có thể xem ký quỹ là một kênh đầu tư an toàn mà vẫn có thể kiếm được lợi nhuận.
- Đảm bảo an toàn cho sự phát triển lâu dài: Bất cứ rủi ro nào xảy ra trong quá trình thực hiện giao dịch thì vẫn có bên nhận ký quỹ đảm bảo, ngân hàng và các tổ chức tài chính có thể sử dụng tài sản đã ký quỹ để đền bù thiệt hại.
Tài khoản ký quỹ là một loại tài khoản được các ngân hàng mở ra và quản lý, với mục đích chính là để chứng minh năng lực tài chính của khách hàng trong các hoạt động kinh doanh, thương mại. Tài khoản này thường được sử dụng để đảm bảo cho các giao dịch mang tính rủi ro cao, chẳng hạn như các giao dịch thương mại quốc tế hoặc những giao dịch thuộc lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.
Những điều cần biết về tài khoản ký quỹ
Người dùng khi mở tài khoản ký quỹ sẽ phải đặt một khoản tiền hoặc tài sản có giá trị tương đương vào tài khoản này. Tiền và tài sản trong tài khoản ký quỹ sẽ được giữ lại và chỉ có thể rút ra sau khi các điều kiện hoặc điều khoản thỏa thuận đã được thỏa mãn.
Tài khoản ký quỹ có thể được xem là một công cụ hữu ích để chứng năng khả năng tài chính của tổ chức, doanh nghiệp trước đối tác kinh doanh hoặc các cơ quan chính quyền. Trong nhiều trường hợp, tài khoản ký quỹ sẽ được yêu cầu bởi các tổ chức tài chính hoặc các cơ quan quản lý nhằm đảm bảo tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch có tính chất phức tạp.
Tiền gửi ký quỹ là loại tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn của một tổ chức hoặc doanh nghiệp tại các ngân hàng, với mục đích chính là để đảm bảo cho việc thực hiện một nghĩa vụ tài chính của tổ chức hoặc doanh nghiệp đó đối với ngân hàng hoặc với các bên có liên quan.
Trước khi thực hiện một giao dịch, các tổ chức hoặc doanh nghiệp sẽ đặt một khoản tiền, được gọi là tiền gửi ký quỹ, vào tài khoản ký quỹ tại một ngân hàng để nhằm mục đích được bảo đảm việc thực hiện bảo lãnh cho doanh nghiệp. Ngoài tiền gửi thì doanh nghiệp cũng có thể ký gửi các tài sản khác có giá trị tương đương như đá quý, kim khí quý hoặc một số loại giấy tờ có giá trị khác. Trong suốt quá trình thực hiện thỏa thuận, các tài sản ký quỹ sẽ được theo dõi chặt chẽ và sẽ được thu hồi kịp thời khi đến hạn thời gian ký quỹ.
Tiền gửi ký quỹ nghĩa là gì?
Trong lĩnh vực chứng khoán, cũng có thuật ngữ “ký quỹ” và đây là một thuật ngữ được thường xuyên sử dụng trong chứng khoán phái sinh và trong các giao dịch chứng khoán.
Cũng như mục đích là để bảo đảm trước khi giao dịch, ký quỹ trong chứng khoán được hiểu là số tiền hoặc khoản chứng khoán mà nhà đầu tư phải đặt tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) với mục tiêu là để đảm bảo việc thanh toán các giao dịch liên quan đến chứng khoán phái sinh. Theo luật hiện hành, tỷ lệ ký quỹ bằng tiền phải đạt giá trị tối thiểu là 80% tổng giá trị tài sản ký quỹ.
Theo khoản 10 Điều 2 Thông tư 120/2020/TT-BTC, quy định về giao dịch ký quỹ được ghi rõ như sau: “Giao dịch ký quỹ tại công ty chứng khoán (sau đây gọi là giao dịch ký quỹ) là giao dịch mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, trong đó chứng khoán có được từ giao dịch này và các chứng khoán khác được giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay trên.”
Bản chất của giao dịch ký quỹ
Giao dịch ký quỹ (margin trading), về bản chất là một hình thức đầu tư chứng khoán với sự hỗ trợ từ đòn bẩy giúp nhà đầu tư có thể mua nhiều chứng khoán hơn. Khi đầu tư thành công, lợi nhuận từ giao dịch ký quỹ có thể tăng lên nhiều lần so với việc chỉ sử dụng vốn đầu tư tự có. Có thể hiểu, giao dịch ký quỹ là việc mua chứng khoán với sự cho vay của sàn giao dịch, nghĩa là nhà đầu tư không cần phải sử dụng toàn bộ vốn đầu tư của mình để mua chứng khoán. Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ cần đặt một khoản tiền bảo đảm (margin) và sàn giao dịch sẽ cho phép họ mua nhiều chứng khoán hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu giá trị chứng khoán giảm đồng nghĩa việc nhà đầu tư sẽ mất nhiều tiền hơn.
Tùy vào từng ngành nghề và mục đích mà sẽ có những hình thức ký quỹ khác nhau. Thông thường, có 4 dịch vụ ký quỹ phổ biến được thực hiện nhiều nhất như sau.
Ký quỹ bảo lãnh có thể được hiểu là sự đảm bảo cho bên thụ hưởng khi các hoạt động thỏa thuận trong hợp đồng không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng. Thông thường, ngân hàng sẽ phát hành giấy bảo lãnh để đảm bảo. Theo đó, ngân hàng sẽ thanh toán cho bên thụ hưởng các khoản đền bù được ghi trong giấy bảo lãnh khi đối tác không thực hiện được trách nhiệm của mình đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Đối với dịch vụ ký quỹ này, ngân hàng không bảo lãnh việc đối tác phải thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng mà chỉ đảm bảo thanh toán đúng số tiền bồi thường được ghi trong giấy bảo lãnh cho bên thụ hưởng.
Ký quỹ L/C là một hình thức ký quỹ trong các giao dịch mua bán xuất nhập khẩu thông qua ngân hàng, với hình thức thanh toán là L/C. Trong đó, ký quỹ L/C được ngân hàng lập ra và có giá trị như một lá đơn theo yêu cầu chung của cả người mua và người bán, bao gồm cả các cam kết về việc thanh toán tiền hàng cho bên bán.
Ký quỹ là một hình thức đảm bảo việc kinh doanh tránh khỏi tình trạng phá sản, bằng cách giữ một số tiền nhất định trong tài khoản ký quỹ. Nguyên nhân ra đời của hình thức ký quỹ vào mục kinh doanh đa ngành nghề là nhằm đảm bảo duy trì được lượng tiền tối thiểu trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Bằng cách ký quỹ, các doanh nghiệp, tổ chức có thể đảm bảo khả năng hoạt động lâu dài của mình một cách hiệu quả.
Đối với một số ngành nghề như kinh doanh lữ hành, xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm… thì khách hàng cần phải mở tài khoản ký quỹ tại các ngân hàng, với mục đích để được phép hoạt động các ngành nghề này. Tùy theo từng ngành nghề mà mức ký quỹ sẽ khác nhau. Việc ký quỹ đối với những ngành nghề này là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi, tài sản của doanh nghiệp không bị thất thoát trong quá trình cho đối tác sử dụng.
Có thể thấy, ký quỹ là một hình thức phổ biến hiện nay. Ký quỹ sẽ giúp đối tác có trách nhiệm hơn trong việc hoàn thành nghĩa vụ đúng hạn, đồng thời việc này cũng giúp giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả hơn.
Được thành lập năm 1993, ngân hàng ACB là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam và luôn được đánh giá là một trong những ngân hàng uy tín nhất hiện nay. Ngân hàng ACB cung cấp đa dạng dịch vụ tài chính như: thanh toán trực tuyến, giao dịch ngoại tệ, gửi tiết kiệm, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ… cùng những dịch vụ vay vốn khác đáp ứng tốt mọi nhu cầu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
ACB là một trong những ngân hàng uy tín hàng đầu hiện nay
Dịch vụ ký quỹ được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn tại ngân hàng ACB. Hiện tại, ngân hàng ACB cung cấp đa dạng loại hình tài khoản ký quỹ dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau với số tiền gửi ký quỹ đa dạng. Đồng thời, thời gian ký quỹ và thời hạn trả lãi vô cùng linh hoạt từ 01 - 36 tháng tùy theo từng loại hình ký quỹ theo tiêu chí kỳ hạn càng lâu dài thì lãi suất nhận được càng cao.
Để mở tài khoản ký quỹ tại ngân hàng ACB, khách hàng cần chuẩn bị hồ sơ như sau:
Đối với khách hàng đã có tài khoản ký quỹ:
- Hợp đồng tiền gửi ký quỹ
- Ủy nhiệm chi trích tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán không kỳ hạn sang tài khoản ký quỹ (tuỳ quy định sản phẩm nếu có).
Đối với khách hàng chưa có tài khoản ký quỹ:
- Giấy đăng ký thông tin mở tài khoản
- Hồ sơ chứng minh tư cách pháp lý của doanh nghiệp/tổ chức
- Hồ sơ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của chủ tài khoản
- Ủy nhiệm chi trích tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán không kỳ hạn sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn (tuỳ quy định sản phẩm nếu có).
Khách hàng cần lưu ý:
Đối với mỗi loại ký quỹ khác nhau sẽ có những quy định về đối tượng áp dụng, cách tính lại, quy định nộp tiền/rút tiền ký quỹ tương ứng. Do đó, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đưa ra quyết định lựa chọn loại hình ký quỹ phù hợp.
Để được hỗ trợ nhanh chóng về thủ tục và cách mở tài khoản ký quỹ, khách hàng có thể tham khảo thông tin tại website chính thức của ngân hàng ACB hoặc liên hệ trực tiếp đến các kênh hỗ trợ chính thức của ngân hàng.
- Trang chủ ACB: https://acb.com.vn/
- Hotline: 1900.54.54.86 - 028.38.247.247
Bài viết bên trên đã tổng hợp những thông tin cần biết về tiền gửi ký quỹ, tài khoản ký quỹ cũng như các khái niệm xoay quanh hình thức này. Bên cạnh đó, bài viết cũng cung cấp những thông tin cơ bản về cách mở tài khoản ký quỹ và sử dụng dịch vụ ký quỹ tại ngân hàng ACB.
***Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo vì nội dung có tính thời điểm. Quý khách vui lòng truy cập trang sản phẩm, dịch vụ chi tiết từ website acb.com.vn hoặc liên hệ Contact Center theo hotline 1900 54 54 86 - (028) 38 247 247 để được cập nhật chính sách mới nhất.