Gợi ý tìm kiếm

Bản tin thị trường xuất nhập khẩu ngày 16.10.2023

Làn sóng bùng nổ nguồn vốn đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc đang bước vào “giai đoạn mới”

Nhiều chính sách kiểm soát nghiêm ngặt của các nước phương Tây đang thúc đẩy sự chuyển đổi sang các dự án mới đến từ nhà đầu tư Trung Quốc. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ Trung Quốc đã tăng nhanh lên mức cao kỷ lục khi nước này đang khai thác các thị trường mới để mở rộng đầu tư. Số liệu trong 8 tháng đầu năm nay đến từ fDI Markets, nguồn vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đã vượt 110 Tỷ USD – mức cao nhất trong lịch sử đầu tư nước ngoài của nước này. Theo nhận định từ Bà Luisa Kinzius – Giám đốc của Sinolytics, một công ty chuyên nghiên cứu về Trung Quốc – đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mới.

Sự biến chuyển dòng vốn đầu tư sang các dự án mới

Trong giai đoạn những năm 2010, nhiều công ty của Trung Quốc đã thâm nhập thị trường mới thông qua các thương vụ Mua bán và Sáp nhập (M&A), và cho đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ở nước này đã bắt đầu ghi nhận sự chuyển đổi sang nhiều thị trường mới, đặc biệt trong lĩnh vực mà Trung Quốc đang dẫn đầu về khả năng sáng tạo như ngành xe điện (EV) và năng lượng tái tạo.

Theo số liệu đến từ Refinitiv, nguồn vốn đầu tư theo các thương vụ M&A đạt 54,4 Tỷ USD vào năm 2010 và đã tăng lên rất nhanh ở mức 200,6 Tỷ USD đến năm 2016; sau đó giảm mạnh xuống mức 17,3 Tỷ USD vào năm ngoái. Ngoài ra, theo Sinolytics, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của Trung Quốc vào khu vực châu Âu đã ghi nhận mức tăng cao hơn so với các giao dịch M&A lần đầu tiên vào năm 2022. Quyết định đầu tư ra nước ngoài của nhiều doanh nghiệp chủ yếu đến từ sự dư thừa nguồn vốn trong nước và sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, còn có sự thúc đẩy từ phía Chính phủ với mục tiêu “ tiến tới toàn cầu”. Sự mở rộng đầu tư vào các dự án mới không chỉ là vấn đề về chuyển giao công nghệ, mà là còn liên quan đến việc tiếp cận thị trường mới. Trong đó, phải nhắc đến sáng kiến 'Made in China 2025' của Chính phủ Trung Quốc — một chính sách phát triển ngành công nghiệp đã được triển khai từ năm 2015 — là một chính sách  không chỉ có mục đích giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào việc nhập khẩu công nghệ mà còn giúp cho khả năng sản xuất của Trung Quốc có tính cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu. 
Trong những năm gần đây, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã điều chỉnh các chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào quốc gia mình nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trọng yếu, và điều này khiến cho các công ty Trung Quốc thận trọng hơn đối với hoạt động M&A của mình. Mặc dù những chính sách về FDI của những quốc gia này không nêu rõ tên nhà đầu tư, nhưng thị trường đều có thể hiểu rõ ràng rằng những quy định này đang nhắm đến các doanh nghiệp Trung Quốc. Thực tế cho thất, vào năm ngoái, chính phủ Đức đã cấm việc bán hai công ty chip của nước này cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Theo một chuyên gia nhận định rằng, chính phủ Đức đã nhận thức được về sự phụ thuộc của mình vào Trung Quốc và không muốn để mình sẽ trở nên dễ bị tác động trong tương lai.

Cách tiếp cận ít rủi ro hơn

Jocelyn Chow, một luật sư tại công ty luật Eversheds Sutherland tại Hong Kong, nhận định rằng các quy định kiểm soát FDI được áp dụng bởi các chính phủ phương Tây đã khiến các công ty Trung Quốc trở nên thận trọng hơn khi tiến hành các giao dịch M&A tại châu Âu hoặc Mỹ. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp cận theo hướng mới được đánh giá là có ít rủi ro hơn. Ví dụ, thay vì thực hiện giao dịch M&A, các công ty Trung Quốc có thể quyết định thành lập mới một nhà máy sản xuất pin ngay tại châu Âu, và xuất khẩu pin từ châu Âu khi có nguồn gốc xuất xứ từ châu Âu. Theo phương án này, sản phẩm sẽ không bị coi là xuất xứ từ Trung Quốc và sẽ không chịu những kiểm soát thương mại nghiêm ngặt như đã nêu ở trên. 

Tính đến nay, theo fDI Markets ghi nhận được dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc là nhà máy của Zhejiang Huayou Cobalt trị giá 19,3 Tỷ USD tại Morocco để sản xuất các thành phần pin cho xe điện. Đây là một dự án liên doanh với tập đoàn LG của Hàn Quốc. Ngoài ra, sự phân bổ dòng vốn FDI từ Trung Quốc đến năm 2023 là: 34,3% ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; 36,1% ở khu vực châu Phi; 8,7% ở khu vực châu Âu; 4,6% ở châu Mỹ La-tinh và eo biển Caribe; 1,4% ở Bắc Mỹ và 14,9% ở Trung Đông. Có thể thấy, Trung Quốc đang tập trung nguồn lực để tăng nhanh dòng vốn FDI nói chung, cũng như đang có hướng tiếp cận nghiêng về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và châu Phi, những khu vực có nguồn lao động dồi dào và đang trở thanh công xưởng mới của thế giới trong tương lai.