Xuất nhập khẩu những tháng đầu năm 2023 – khó khăn nhưng đã xuất hiện tín hiệu tích cực
Số liệu mới nhất từ Tổng Cục Hải Quan công bố cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm của Việt Nam hiện đang giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đạt 135,2 tỷ USD, giảm 12,3% và nhập khẩu đạt 125,6 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt được là 260,8 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vẫn duy trì thặng dư thương mại ở mức cao 9,7 tỷ USD (mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây), tuy nhiên nguyên nhân không mấy tích cực là do kim ngạch nhập khẩu hiện đang giảm mạnh hơn so với chiều xuất khẩu. Ngoài ra, ở cả hai chiều xuất và nhập khẩu đều ghi nhận mức giảm tương đối đồng đều ở khu vực doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Các ngành hàng chủ lực trong cơ cấu xuất nhập khẩu đều cho thấy đà suy yếu. Trong đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm đến 20%, máy vi tính linh kiện giảm 9%, máy móc thiết bị giảm 6%, hàng dệt may giảm 16%, giày dép các loại giảm 15%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 29%, hàng thủy sản giảm 28%, sản phẩm từ chất dẻo giảm 19%... Ở chiều nhập khẩu, hầu hết các ngành hàng nhập khẩu đều giảm, đặc biệt là các hàng hóa là nguyên phụ liệu sản xuất quan trọng như máy móc thiết bị giảm 13%, vải các loại giảm 20%, nguyên phụ liệu dày gia giảm 19%, sắt thép các loại giảm 30%, chất dẻo nguyên liệu giảm 32%, hóa chất giảm 24%... Có thể thấy, ảnh hưởng bởi nguy cơ kinh tế suy thoái sau đại dịch, lạm phát tăng cao, chiến tranh giữa Nga – Ukraine, các NHTƯ liên tục tăng mạnh lãi suất,…ở những quốc gia là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu đã ảnh hưởng rất lớn đến kim ngạch xuất nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm. Ở các nền kinh tế này do ảnh hưởng bởi lạm phát tăng cao khiến sức cầu mua sắm các sản phẩm thông thường hay hàng hóa xa xỉ đều sụt giảm mạnh. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào thương mại toàn cầu với những ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, hàng điện tử… (với 90% tổng nguồn cung là dành cho xuất khẩu theo ước tính của Bộ Công Thương). Cùng với đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang kỳ vọng thị trường xuất nhập khẩu sẽ dần hồi phục trong nửa cuối năm 2023. Tín hiệu đáng mừng cho thấy hoạt động nhập khẩu đã tăng nhẹ trở lại trong tháng 5 so với tháng trước đó. Ngoài ra, theo Tổng Cục Thống Kê, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2023 đã khởi sắc trở lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 5, chỉ số IIP tại một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực so với tháng 4. Cụ thể, Thái Nguyên tăng 3,3%; Hải Dương tăng 3,1%; Bình Dương tăng 2,6%; Bắc Giang tăng 2,1%; TP Hồ Chí Minh tăng 1,5%; Long An tăng 1,2%; Quảng Ninh tăng 1%... Đây là những nhân tố được kỳ vọng sẽ giúp hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam dần phục hồi trong những tháng sắp tới; đi cùng với nhiều giải pháp tập trung vào việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn trong nước, phát triển mối quan hệ thương mại với đối tác nước ngoài, tìm kiếm các phương án hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh phù hợp với tiêu chí của các hiệp định thương mại tự do hiện nay.