Chỉ số USD Index điều chỉnh giảm gần 0,3%, đảo ngược mức tăng trước đó sau khi dữ liệu công bố vào tối qua cho thấy số lượng việc làm sẵn có tại Mỹ trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Điều này cho thấy những tác động ngày một rõ ràng hơn của mặt bằng lãi suất cao đối với thị trường lao động - yếu tố được FED theo dõi chặt chẽ trong các quyết định chính sách của mình. Dữ liệu khác cũng cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ thấp hơn dự báo trong khi giá nhà ở Mỹ tiếp tục tăng vào tháng trước. Kết quả này nối tiếp dữ liệu suy yếu trong hoạt động sản xuất và dịch vụ công bố vào tuần trước tại Mỹ trong bối cảnh FED gần đây xác nhận đang đi đến những bước cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt chính sách của mình. Dữ liệu giá tiêu dùng cá nhân PCE vào thứ Năm và báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 8 vào thứ Sáu sẽ là tâm điểm của thị trường nhằm đánh giá tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như phương hướng chính sách sắp tới của FED.
Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tiệm cận mức 24.200 vào sáng hôm qua trong khi tỷ giá trên thị trường tự do giao dịch ở mức 24.120 - 24.170. Vùng giá này tương ứng với việc tỷ giá đã tăng gần 2,5% tính từ đầu năm đến nay, cho thấy áp lực từ các yếu tố bên ngoài (FED tăng lãi suất, CNY suy yếu...) là rất lớn dù sức khỏe vĩ mô của kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định với cán cân thương mại thặng dư 20,19 tỷ USD và FDI giải ngân đạt 13,1 tỷ USD sau 8 tháng đầu năm 2023. Dự báo tỷ giá có thể tìm kiếm mức cân bằng mới tại vùng giá 24.200 - 24.300 và không loại trừ khả năng có thể hạ nhiệt trở lại về mức 24.000 theo đà suy yếu của đồng USD trên thị trường thế giới. Cần theo dõi chặt chẽ động thái cắt giảm thêm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đến từ NHTƯ Trung Quốc trong thời gian tới (dự báo có thể thực hiện thêm 2 đợt nữa vào cuối năm 2023) khiến đồng CNY có thể suy yếu về vùng $7,4 - $7,5 (Q4/2023).