Gợi ý tìm kiếm

Bản tin thị trường ngày 20.09.2023

Theo dự báo mới nhất của OECD, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống mức 2,7% vào năm 2024 sau khi tăng trưởng dưới mức trung bình là 3% trong năm nay. Ngoại trừ thời điểm năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, kết quả này sẽ đánh dấu mức tăng trưởng hàng năm yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Kinh tế toàn cầu dường như đang đối mặt với thách thức kép: lạm phát cao và tăng trưởng thấp. Tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt ngày càng trở nên rõ ràng, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm sút trong khi sự phục hồi của đầu tàu kinh tế Trung Quốc đang đặt ra nhiều nghi ngờ. OECD dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 1,3% vào năm 2024 từ mức 2,2% của năm 2023. Trong khi kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng dưới mức 5% trong năm tới do nhu cầu nội địa suy yếu và căng thẳng trên thị trường bất động sản chưa thể giải quyết. OECD cho biết hiệu quả của các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc cũng có thể bị hạn chế hơn so với trước đây.

Được thúc đẩy bởi thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của Ả Rập Saudi và Nga, giá dầu đã tăng gần 30% kể từ tháng 6, với giá dầu thô tại Mỹ đạt mức 91 USD/thùng. Mặc dù giá vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất năm 2022, nhưng đợt tăng mới nhất đang gây ra rủi ro khi FED tìm cách đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% mà không khiến nền kinh tế lâm vào suy thoái. Theo truyền thống, FED có xu hướng giảm nhẹ tác động của giá dầu cao hơn đối với lạm phát, xem tác động này chỉ là tạm thời. Đó là lý do vì sao các thành viên FED tập trung vào lạm phát cơ bản - loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm - khi đưa ra chiến lược tiền tệ. Giờ đây các nhà hoạch định chính sách sẽ cảnh giác cao độ về kỳ vọng lạm phát tăng cao do giá nhiên liệu, vì họ lo ngại giá cả có thể gia tăng trên diện rộng hơn. Điều này có thể buộc FED phải đưa ra các tín hiệu quyết liệt hơn trong cuộc họp chính sách tháng 9 này.