Gợi ý tìm kiếm

Bản tin thị trường ngày 16.11.2023

Doanh số bán lẻ tại thị trường Mỹ đã giảm 0,1% trong tháng 10 so với tháng trước đó, cũng là mức giảm đầu tiên kể từ tháng 3 và theo sau mức tăng 0,9% trong tháng 9. Doanh số bán lẻ sụt giảm, kết hợp với tốc độ tuyển dụng lao động chậm hơn và lạm phát hạ nhiệt cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại sau mức tăng trưởng mạnh mẽ ghi nhận ở 3 quý đầu năm nay. Người tiêu dùng tại Mỹ đã chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng ô tô, xăng dầu, cửa hàng bách hóa, máy tính và đồ nội thất trong tháng trước. Nguyên nhân xuất phát từ tăng trưởng thu nhập chậm lại, số tiền tiết kiệm giảm dần và các điều kiện tín dụng thắt chặt đã hạn chế khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Điều này khiến các dự báo đang nghiêng về khả năng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm. Dự báo mức chi tiêu tiêu dùng mùa lễ cuối năm nay tại Mỹ (kéo dài trong tháng 11 & 12) chỉ tăng trưởng 3% - 4% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức tăng 5,4% của năm 2022 và tăng 12,7% của năm 2021.

Đồng USD phục hồi hơn 0,3% vào tối qua sau khi dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ giảm ít hơn dự kiến trong tháng 10. Trước đó, đồng bạc xanh đã ghi nhận mức giảm điểm lớn nhất trong một năm vào ngày thứ Ba sau dữ liệu lạm phát tiêu dùng. Đồng USD thường có xu hướng suy yếu vào quý 4 trong hai năm gần đây và đà giảm thường chỉ kết thúc vào tháng 1 năm sau. Trong tuần này, nếu chỉ số USD Index đóng cửa dưới mức 104,3 điểm, nhiều khả năng xu hướng suy yếu của đồng USD sẽ còn tiếp tục mở rộng hướng đến vùng 102,5 trong tuần tới.

Trong nước, tỷ giá USD/VND trên liên ngân hàng mở cửa sáng nay giảm gần 90 đồng và giao dịch ở mức 24.285 - 24.295 vào cuối ngày theo sau đà suy yếu của đồng USD trên thị trường thế giới. Tỷ giá trên thị trường tự do hiện giao dịch ở mức 24.570 - 24.620. Dự báo sau hai ngày giảm điểm vừa qua, tỷ giá liên ngân hàng có thể sớm phục hồi trở lại mức 24.300 - 24.400 thời điểm cuối tuần.