Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 đạt 436,44 tỷ USD, giảm 12,8%, tương ứng giảm 64,21 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 228,17 tỷ USD, giảm 9,8% (tương ứng giảm 24,79 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu đạt 208,27 tỷ USD, giảm 15,9% (tương ứng giảm 39,42 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 năm 2023 thặng dư 3,44 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thặng dư lũy kế sau 8 tháng lên 19,9 tỷ USD.
Tỷ giá USD/JPY điều chỉnh giảm mạnh nhất trong 2 tháng (145,9) sau những bình luận vào sáng nay của Thống đốc NHTƯ Nhật Bản về khả năng chấm dứt chính sách lãi suất âm. Theo ông Ueda nếu BOJ tự tin rằng lạm phát và tiền lương tiếp tục tăng trưởng bền vững thì việc chấm dứt chính sách lãi suất âm là một trong những lựa chọn khả thi. Đây có thể xem là định hướng về chính sách đáng chú ý nhất của BOJ đồng thời cũng là nỗ lực nhằm hỗ trợ cho đồng JPY trong bối cảnh các nhà điều hành thị trường dường như có phần do dự trong việc tiến hành can thiệp tỷ giá một lần nữa. Đồng JPY đã giảm gần 11% trong năm nay so với đồng USD, tiến gần đến mức thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ mà Bộ Tài chính Nhật Bản đã tiến hành can thiệp vào tháng 10 năm ngoái. Phát biểu của Thống đốc Ueda đã gửi tín hiệu mới tới thị trường rằng không chỉ loại bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất YCC mà khả năng tăng lãi suất cơ bản cũng đang được cơ quan điều hành thảo luận. Thị trường đang kỳ vọng Nhật Bản có thể kết thúc chính sách lãi suất âm trong quý I/2024. Mặc dù vậy, dữ liệu mới nhất cho thấy mức tăng lương của người lao động Nhật Bản đã chậm lại trong tháng 7, cho thấy thị trường lao động có thể đang mất đà phục hồi, làm mờ đi triển vọng cho mục tiêu lạm phát bền vững của BOJ. Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá USD/JPY có thể tiếp nối đà tăng trở lại vào cuối tuần sau đợt điều chỉnh giảm ngắn hạn này.