Đóng cửa ngày thứ Sáu trên mức 105 điểm, chỉ số USD Index đã ghi nhận tuần tăng điểm thứ 8 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2014. Mặc dù vậy biên độ tăng theo tuần của đồng USD hẹp dần cho thấy các động lực hỗ trợ trước đó đang yếu đi. Dữ liệu kinh tế công bố trong tuần trước cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ bất ngờ tăng tốc trở lại vào tháng 8 trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp theo tuần đạt mức thấp nhất kể từ tháng 2/2023. Dữ liệu kinh tế tích cực giúp FED tự tin hơn khi duy trì mặt bằng lãi suất ở mức cao nhằm hạ nhiệt lạm phát. Thị trường đang kỳ vọng khoảng 40% khả năng FED còn một đợt tăng lãi suất vào tháng 11 sắp tới. Trong tuần này, sẽ có nhiều báo cáo kinh tế quan trọng có ảnh hưởng lớn đến quyết định chính sách của FED được công bố như CPI, PPI và doanh số bán lẻ tháng 8 của Mỹ. Với việc giá nhiên liệu tại Mỹ đã tăng trở lại và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm vào tháng 8, giá dầu thế giới hiện cũng tăng lên mức 90 USD/thùng vào tuần trước, CPI tháng 8 của Mỹ có thể đánh dấu khả năng lạm phát tại Mỹ bắt đầu tăng trở lại.
NHTƯ châu Âu sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách tháng 9 vào thứ Năm tuần này giữa lúc có nhiều ý kiến ủng hộ cho lựa chọn tạm ngừng tăng lãi suất. Kể từ tháng 7/2022, ECB đã tăng lãi suất cơ bản thêm 425 điểm nhằm kiềm chế lạm phát ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Khả năng ECB tăng lãi suất ít đi khi nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng. Các nền kinh tế đầu tàu như Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - và Hà Lan đã rơi vào suy thoái, trong khi hầu hết các thành viên còn lại không tăng trưởng hoặc suy giảm. Lạm phát khu vực này đã giảm đáng kể so với mức đỉnh 10,6% vào tháng 10 năm ngoái, dự kiến sẽ ở mức bình quân 5,6% trong năm nay. Thị trường đang kỳ vọng khoảng 65% khả năng ECB có thể tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 9 nhưng trên 50% khả năng sẽ có một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm.