Gợi ý tìm kiếm

Bản tin thị trường hàng hóa ngày 04.06.2024

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TOÀN CẦU NHÌN TỪ GIÁ KIM LOẠI ĐỒNG

Kim loại Đồng đang giao dịch quanh mức giá cao nhất từ trước đến nay nhờ nhu cầu vật liệu xây dựng các trung tâm dữ liệu AI trên toàn cầu và hiệu ứng từ các chương trình hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc. Giá Đồng dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi thị trường đánh giá cao quyết tâm chuyển đổi xanh đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như tiềm năng phát triển các trung tâm dữ liệu lớn cho đến trí tuệ nhân tạo. Giá kim loại Đồng thường được xem là một chỉ báo quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Tiêu thụ kim loại màu thường gia tăng cùng với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, do đó giá sẽ tăng lên khi nền kinh tế tăng trưởng. Hợp đồng kỳ hạn 3 tháng tiêu chuẩn đối với Đồng đã tăng lên mức 11.104,5 USD/tấn trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) vào ngày 20/5, mức cao nhất từ trước đến nay và vẫn duy trì trên mức 10.000 USD/tấn vào thứ Sáu tuần trước.

                   

1. Triển vọng thị trường: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã công bố kế hoạch hỗ trợ trị giá 42 tỷ USD để khuyến khích chính quyền các địa phương mua lại các dự án BĐS chưa mở bán vào giữa tháng 5 vừa qua. Trung Quốc là nước tiêu thụ Đồng lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa nhu cầu thế giới về sản phẩm đã tinh chế. Giá kim loại này cũng đang được thúc đẩy bởi những dự báo lạc quan về nhu cầu đối với năng lượng tái tạo và xe điện, cũng như có nhiều trung tâm dữ liệu được xây dựng để hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo, tất cả đều cần có Đồng. Thị trường kim loại này ở Bắc Mỹ và Châu Âu đang bị thắt chặt, một phần do nhu cầu từ ngành năng lượng tái tạo và các nhà sản xuất xe điện. Trong khi về nguồn cung, LME đã thông báo ngừng giao dịch Đồng có xuất xứ từ Nga kể từ tháng 4. Các công ty khai thác quặng đã phải nỗ lực để đạt được mục tiêu sản xuất và triển khai các dự án mới, chẳng hạn như mỏ Cobre ở Panama, đã phải tạm dừng hoạt động do các cuộc biểu tình về thiệt hại môi trường và việc bán đất cho các công ty nước ngoài. Các nhà đầu tư đã chuyển sự chú ý sang thị trường hàng hóa khi triển vọng trên thị trường chứng khoán giảm sút do lãi suất tại Mỹ vẫn ở mức cao.

2. Dự báo: Giá Đồng được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao do nguồn cung trên thị trường sẽ thiếu hụt trong năm nay. Mức giá bình quân có thể đạt 10.500 USD/tấn trong quý 4/2024, sau khi giảm xuống còn 9.800 USD/tấn trong quý 3. Goldman Sachs dự báo giá Đồng còn có thể tăng lên mức 12.000 USD/tấn vào cuối năm nay. Nhu cầu phát sinh từ yêu cầu chuyển đổi xanh và điện khí hóa, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, đang bù đắp tác động tiêu cực từ suy giảm kinh tế Trung Quốc. 

3. Nhu cầu: Về lâu dài tăng trưởng nhu cầu kim loại Đồng sẽ vượt xa nguồn cung.

+ Thế giới: nhu cầu Đồng tinh luyện toàn cầu sẽ tăng 19% từ năm 2023 đến năm 2030, trong đó nhu cầu của chính Trung Quốc duy trì ở mức cao và nước này vẫn là thị trường tiêu thụ Đồng lớn nhất thế giới. Nhu cầu của Ấn Độ sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 61%, trong khi nhu cầu từ phần còn lại của châu Á dự kiến sẽ tăng 25%. Nhu cầu Đồng cho các trung tâm dữ liệu hàng năm ước tính khoảng 200.000 tấn, trong tổng nhu cầu khoảng 25 triệu tấn. Mặc dù con số này nghe có vẻ nhỏ nhưng nó tương đương với công suất của một nhà máy luyện Đồng được xây mới vào năm 2030 trở đi. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năng lượng sạch sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu Đồng nếu ngành năng lượng toàn cầu muốn đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. IEA cũng dự báo nhu cầu Đồng cho các mục đích sử dụng khác sẽ ổn định cho đến năm 2040.

+ Trung Quốc: mặc dù nhu cầu Đồng của Trung Quốc không còn mạnh như trước đây nhưng có khả năng vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hàng năm khoảng 2,5% đến 3% trong trung và dài hạn.

+ Ấn Độ và Đông Nam Á cũng là những thị trường tăng trưởng đầy hứa hẹn. Nhu cầu từ các quốc gia như Việt Nam và Philippines được thúc đẩy bởi sự phát triển cơ sở hạ tầng đi đôi với tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao. Thái Lan đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất xe điện, trong khi sẽ cần nhiều Đồng hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Malaysia.

4. Về phía cung: các nhà máy tinh luyện Đồng của Trung Quốc đang gia tăng sản lượng bất chấp giá quặng Đồng tăng cao và nhu cầu yếu của thị trường. Không có dấu hiệu cắt giảm sản lượng của các nhà máy tại Trung Quốc ngay cả khi biên lợi nhuận thấp do yêu cầu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của chính quyền Trung Quốc. Các mỏ khai thác quặng phải đối mặt với chi phí gia tăng như phí quản lý môi trường, nhân công, logistics… cùng sự phản đối của cư dân địa phương đối với các mỏ mới. Trước đây phải mất khoảng 3 năm để tìm kiếm và bắt đầu khai thác tại một mỏ mới thì quá trình này hiện tại phải mất hơn 5 năm. Chất lượng quặng lấy từ các mỏ cũ đang giảm đi nhiều, trong khi các địa điểm khai thác tiềm năng ( chủ yếu ở các nước châu Phi) lại thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết. Giá Đồng sẽ cần đạt mức khoảng 15.000 USD/tấn để thu hút dòng vốn đầu tư vào các mỏ mới.

Ngân Hàng Á Châu không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ hoạt động kinh doanh nào phát sinh từ việc tham khảo hay sử dụng thông tin từ Bản tin này.

Liên hệ trực tiếp để nhận thông tin tư vấn thị trường và tư vấn các sản phẩm ngoại tệ - phái sinh ngoại tệ:

- Khối Thị Trường Tài Chính – Email: ktttc@acb.com.vn ; hoặc

- Ms. Hồng Anh (CV Nghiên cứu TTTC) – Email: anhkh@acb.com.vn