Gợi ý tìm kiếm

Bản tin thị trường hàng hóa ngày 13.06.2023

Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu gạo hàng năm chỉ vào khoảng 4 triệu tấn từ năm 2030

     Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới sau Thái Lan và Ấn Độ. Trong năm 2022, nước ta đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo với trị giá khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 14% về khối lượng và tăng 5% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo cũng ghi nhận tăng trưởng vượt bậc với 3,6 triệu tấn gạo trị giá 1,9 tỷ USD, tăng 31% về lượng và 42% về giá trị xuất khẩu. Mặc dù ghi nhận tăng trưởng ổn định, song với chiến lược của Chính phủ, Việt Nam sẽ chỉ xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo, với mức cắt giảm khoảng 44% hằng năm cho đến năm 2030.


 
     Theo đó, với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký phê duyệt ngày 26/5/2023, Việt Nam sẽ phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, các thị trường FTA; gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường các nước phát triển. Như vậy với ba mục tiêu chính: tăng giá trị gạo xuất khẩu - tăng giá trị gia tăng từ sản phẩm gạo - giảm khối lượng xuất khẩu, Chính phủ đã đặt ra kế hoạch việc giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 chỉ còn khoảng 4 triệu tấn, tương đương khoảng 2,62 tỷ USD.


     Các nỗ lực của Chính phủ hiện nay nhằm thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, việc xuất khẩu gạo sẽ được đa dạng về chủng loại, cũng như quốc gia xuất khẩu nhờ vào các hiệp định thương mại tự do nhằm giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào. Hiện nay, Philippines đang là khách hàng mua gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 45% lượng gạo xuất khẩu trong năm 2022 vừa qua.