Hoạt động xuất nhập khẩu trong nửa đầu năm 2023 diễn biến không thuận lợi với kim ngạch xuất khẩu giảm 12% và chiều nhập khẩu giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu giảm mạnh tại các quốc gia đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu khi lạm phát tại các quốc gia này vẫn duy trì ở mức cao. Tăng trưởng xuất và nhập khẩu đều cho thấy xu hướng giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023 ở hầu hết các thị trường đối tác chủ lực như Mỹ (lần lượt xuất khẩu giảm 22% và nhập khẩu giảm 9%), Trung Quốc (giảm 1% xuất khẩu và giảm 19% nhập khẩu), EU (giảm 11% xuất khẩu và 10% nhập khẩu), ASEAN (giảm 10% xuất khẩu và giảm 25% nhập khẩu).
Dự báo xuất nhập khẩu nửa cuối năm 2023:
Với số liệu nêu trên, cùng với tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến số khó lường, dự báo xuất nhập khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm nay vẫn sẽ gặp nhiều thách thức. Mặc dù vậy, nhiều tín hiệu khả quan đã xuất hiện như đà giảm của cả xuất khẩu và nhập khẩu đang dần được thu hẹp sau tháng 7. Ngoài ra, nhiều ngành hàng được kỳ vọng sẽ ghi nhận sự bứt phá hơn trong nửa cuối năm, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam trong 6 tháng cuối năm như gạo, hàng thủy sản, hàng nông sản…
Các ngành hàng công nghiệp xuất nhập khẩu, chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch của Việt Nam, sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt và lâu dài cho tới năm sau. Nguyên nhân trực tiếp nhất chính là do là tình trạng giảm tổng cầu do lạm phát cao và suy giảm kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chính. Bên cạnh đó, khi nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch cũng khiến sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu tăng cao.Trong khi đó, trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, nhiều thị trường nhập khẩu lớn đã duy trì lượng tồn kho hàng hóa khá cao. Đây là lý do khiến tổng cầu suy giảm. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng chưa được khôi phục hoàn toàn do tình hình chiến sự giữa Nga-Ukraine cũng như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương vẫn đang kỳ vọng vào sự lội ngược dòng của xuất nhập khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm nhờ vào việc tăng cường hợp tác thương mại, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước,… với kỳ vọng tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2023 có thể đạt mức 6%. Ngoài ra, theo ước tính mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM), dự báo kịch bản khả quan nhất là xuất khẩu cả nước năm 2023 có thể giảm nhẹ 2,17%, nhập khẩu giảm nhẹ 1% và thặng dư thương mại cả nước là khoảng 6,8 tỷ USD đến cuối năm 2023.