Gợi ý tìm kiếm

Bản tin thị trường xuất nhập khẩu ngày 25.09.2023

Thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc chuyển hướng sang các quốc gia lân cận thay vì Phương Tây

Theo số liệu mới nhất đến từ HSBC Holdings PLC, giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc đến các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) trong vòng 12 tháng qua (tính đến hết quý II/2023) đã tăng vọt lên gần 600 Tỷ USD. Với kết quả này, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang ASEAN ghi nhận con số vượt trội hơn hẳn so với giá trị xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu trong thời gian qua. Trong cùng thời gian này, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là khoảng 532 Tỷ USD và châu Âu là 544 Tỷ USD.

Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – một hiệp định thương mại tư do được ký kết giữa 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác bên ngoài ASEAN, trong đó Trung Quốc hiện đang được coi là quốc gia dẫn dắt khối thương mại này. RCEP đã có hiệu lực từ năm ngoái và trở thành khối thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới trong thời điểm hiện tại. Trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng tại Mỹ và châu Âu sau đại dịch Covid-19, Đông Nam Á đã vươn lên trở thành đối tác chiến lược của Trung Quốc trong thương mại hàng hóa. Điều này cũng là minh chứng rõ nét cho việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nhà máy sản xuất, gia công hàng hóa đang ghi nhận sự dịch chuyển nhanh từ Trung Quốc sang các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Với bối cảnh hiện nay khi suy thoái toàn cầu đang lan rộng, nền kinh tế phương Tây phải đối mặt với nhiều thách thức về địa chính trị, lạm phát, thì sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa giữa ASEAN và Trung Quốc đang được đánh giá là có thể giúp ổn định thương mại toàn cầu. Cũng theo đánh giá của HSBC Holdings PLC, thương mại nội khu vực Châu Á sẽ mạnh mẽ hơn và đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu kể từ nay về sau.