Gợi ý tìm kiếm

Bản tin thị trường xuất nhập khẩu ngày 21.08.2023

Ấn độ đang nổi lên với vai trò là trung tâm sản xuất mới của thế giới có thể thay thế cho Trung Quốc sau khi chứng kiến làn sóng dịch chuyển các nhà mày sản xuất khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Với chương trình ưu đãi liên kết sản xuất, hay PLI (Production-linked Incentives), Chính phủ nước này sẽ ưu đãi hoàn tiền cho các doanh nghiệp từ 4% đến 6% doanh thu gia tăng của họ trong 5 năm. Chương trình PLI, bắt đầu cho điện thoại di động vào tháng 10/2020, đang được nước này đánh giá là thành công. Sản xuất hàng năm đã tăng hơn 60% lên 42 tỷ USD. Trong số này, 11 tỷ USD sản phẩm điện thoại được xuất khẩu, so với gần như không có gì trước khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014. Từ một nước nhập khẩu ròng, Ấn Độ đã trở thành quốc gia xuất khẩu ròng các thiết bị điện thoại cầm tay.

Theo đánh giá, Việt Nam vẫn đang có lợi thế hơn so với Ấn độ trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất điện thoại và linh kiện điện thoại. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu thiết bị điện thoại cầm tay lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nhờ các ưu đãi thuế quan gần bằng 0 với các đối tác thương mại hàng đầu. Trong khi Ấn Độ, quốc gia có ít hiệp định thương mại tự do như vậy có mức thuế hải quan cao tới 22%. Điều này khiến việc sản xuất điện thoại di động ở quốc gia đông dân nhất thế giới gặp bất lợi về chi phí là 4%.

Bên cạnh đó tác động từ việc đồng Rupee của Ấn độ giảm giá khoảng 11% so với đồng USD kể từ đầu năm ngoái - gấp đôi mức giảm của VND khiến việc nhập khẩu linh kiện trở nên đắt đỏ hơn. Chi phí này có thể không xuất hiện trong hoạt động xuất khẩu vì nó do 1,4 tỷ người tiêu dùng của Ấn Độ gánh chịu. Nhập khẩu đắt hơn đang làm tổn thương nhu cầu nội địa trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Các nhà sản xuất điện thoại Ấn độ có thể tập trung phục vụ cho thị trường nội địa với mức giá bán hàng cao hơn và không có động lực để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.