Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 của Trung Quốc đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu sụt giảm, trong khi nhập khẩu giảm do nhu cầu trong nước suy yếu. Các chuyến hàng xuất khẩu ra nước ngoài đã giảm 14,5% (tính theo USD) vào tháng trước so với cùng kỳ năm 2022 - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020 - trong khi nhập khẩu giảm 12,4%. Điều này giúp thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt mức 80,6 tỷ USD trong tháng 7. Sự sụt giảm sâu trong nhập khẩu phản ánh nhu cầu nội địa yếu bên cạnh việc giá nhiều loại hàng hóa nhập khẩu trên đà hạ nhiêt.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay từng được kỳ vọng vào sự phục hồi từ tiêu dùng nội địa, nhưng thực tế cho thấy đà phục hồi đang suy yếu do niềm tin và nhu cầu trong nước ở mức thấp - những vấn đề được nhấn mạnh bởi nhập khẩu giảm tháng thứ năm liên tiếp. Châu Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ nhu cầu sụt giảm của Trung Quốc với nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước Đông Nam Á giảm hai con số. Nhập khẩu từ Mỹ giảm 11,2% và giảm 3% từ Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đang suy giảm do nhu cầu ở nước ngoài chậm lại - khiến việc duy trì mức xuất khẩu kỷ lục trong năm 2021 và 2022 (trong thời kỳ đại dịch) là không khả thi. Các lô hàng đến Mỹ đã giảm mạnh 23,1% trong tháng 7, theo dữ liệu hải quan. Xuất khẩu sang các thị trường khác gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Asean, EU, Brazil, Australia đều giảm trên 10%.