Gợi ý tìm kiếm

Bản tin thị trường ngày 25.04.2024

Đồng JPY lần đầu tiên trong 3 thập kỷ suy yếu vượt mức 155 điểm so với USD vào tối qua làm tăng khả năng can thiệp đến từ Chính phủ và NHTW Nhật Bản. Cặp tiền tệ này đóng cửa cuối ngày ở mức 155,3 tương ứng với mức giảm trong ngày hơn 0,3% của đồng JPY. Nếu tính từ đầu năm 2024, đồng tiền này đã mất giá khoảng 9% và là tiền tệ chứng kiến đà giảm mạnh nhất trong nhóm G10 ngay cả khi NHTW Nhật Bản vừa thực hiện lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007 vào tháng 3 vừa qua. Nguy cơ từ giá dầu tăng cao trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực Trung Đông có thể làm tổn thương cán cân thương mại của Nhật Bản là yếu tố có thể giải thích cho đà suy yếu của đồng nội tệ nước này. Bên cạnh áp lực chung đến từ sức mạnh của đồng USD khiến tiền tệ của nhiều nền kinh tế hàng đầu châu Á không chỉ riêng Nhật Bản mất giá. NHTW Nhật Bản BOJ sẽ có cuộc họp vào cuối tuần này nhưng nhiều khả năng chưa có bất kỳ thay đổi nào về chính sách tiền tệ được thực hiện. Nếu dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng cá nhân của Mỹ công bố tối mai tăng mạnh, khả năng sẽ làm tăng thêm áp lực suy yếu cho đồng JPY.

Đồng USD tăng điểm nhẹ khoảng 0,1% trong ngày hôm qua sau khi dữ liệu cho thấy số đơn đặt hàng lâu bền của các doanh nghiệp tại Mỹ tăng trưởng với tốc độ vừa phải trong tháng 3. Thị trường đang kỳ vọng khoảng 70% khả năng NHTW Mỹ có thể cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 9 sắp tới. Trong nước, tỷ giá USD/VND có thời điểm giảm về mức thấp nhất trong ngày là 25.400 trước khi lực mua tại vùng giá thấp xuất hiện trở lại đưa tỷ giá đóng cửa cuối ngày ở mức 25.420. Trong ngày không ghi nhận giao dịch bán USD từ NHNN do tỷ giá duy trì dưới mức bán can thiệp 25.450. Áp lực từ thanh khoản tiền đồng dự trữ trong dịp lễ dài ngày sắp tới đang phần nào giúp hạ nhiệt đà tăng của tỷ giá kết hợp với hoạt động cung ứng USD từ NHNN. Với các doanh nghiệp nhập khẩu có nhu cầu mua ngoại tệ thì đây là thời điểm thích hợp để thực hiện giao dịch với mức chi phí vốn hợp lý.